Tầm quan trọng của các tổ chức phi chính phủ ngày càng được khẳng định. Những tổ chức này không chỉ hỗ trợ phát triển xã hội mà còn là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.
Sau đây, Ms Uptalent sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu tổ chức phi chính phủ là gì cùng một số thông tin liên quan đến các tổ chức này. Các bạn hãy cùng theo dõi để có thêm nhiều thông tin hữu ích nhé! MỤC LỤC: 1- Tổ chức phi chính phủ là gì? 2- Phân loại tổ chức phi chính phủ 3- Vai trò của tổ chức phi chính phủ 4- Nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ đến từ đâu? 5- Tình hình hoạt động các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam
1- Tổ chức phi chính phủ là gì?
1.1- Định nghĩa
Tổ chức Liên Hợp Quốc đã đưa ra định nghĩa về tổ chức phi chính phủ như sau:
“Tổ chức phi chính phủ là thuật ngữ được dùng để chỉ các tổ chức, hiệp hội, ủy văn hóa xã hội, ủy hội từ thiện, tập đoàn phi lợi nhuận hoặc các pháp nhân khác mà theo pháp luật không thuộc trong khu vực nhà nước và không hoạt động vì lợi nhuận.”
Các tổ chức phi chính phủ trong tiếng Anh được gọi là Non-governmental Organization (NGO). Họ cùng tồn tại với những tổ chức thuộc khu vực nhà nước, tư nhân và tập thể. Mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận. Nếu có lợi nhuận cũng không được phân chia như là lợi nhuận.
NGO hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, như là văn hóa, nhân đạo, khoa học,… Họ chủ yếu hướng đến các chương trình phục vụ cộng đồng, phát triển xã hội và đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho xã hội.
Tuy vậy, các tổ chức như đảng phái chính trị, nhà thờ, nhà chùa, nghiệp đoàn và hợp tác xã có phân chia lợi nhuận lại không phải là một tổ chức phi chính phủ.
1.2- Đặc điểm của NGO
Các NGO thường có những đặc điểm rất riêng sau đây:
- NGO có mạng lưới quan hệ xuyên quốc gia mạnh mẽ, sâu rộng. Nhờ vậy họ có thể thúc đẩy, lan tỏa các dự án, chương trình phát triển xã hội trên phạm vi rộng và nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng.
- NGO không hoạt động vì mục đích thương mại. Mục đích chung nhất của họ là phục vụ và phát triển cộng đồng, xã hội trong nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau.
- Cơ cấu tổ chức của NGO rất chuyên nghiệp. Đồng thời, họ cũng nhận được sự trợ giúp từ đông đảo các tình nguyện viên.
>>> Bạn có thể tham khảo: Tổ chức là gì? Vai trò, phân loại và các yếu tố cấu thành nên tổ chức
2- Phân loại tổ chức phi chính phủ
Thực tế, có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại các NGO. Trong đó có 3 tiêu chí phổ biến sau:
2.1- Theo phạm vi hoạt động
Gồm có 3 loại NGO là:
- NGO có tính chất chính phủ (GONGO)
Đây là những tổ chức do chính phủ thành lập.
- NGO có tính chất quốc gia (NNGO)
Đặc điểm của những tổ chức này là tất cả các thành viên đều có cùng quốc tịch. Một ví dụ điển hình về loại NGO này chính tổ chức Chữ thập đỏ.
- NGO có tính chất quốc tế (INGO)
Những tổ chức này có phạm vi hoạt động trên khắp thế giới. Thành viên sáng lập của tổ chức bao gồm nhiều quốc tịch khác nhau.
Một số ví dụ về loại NGO này như OXFAM, CARE, Save the Children organizations,…
2.2- Theo tính chất hoạt động
Có 3 loại NGO sau đây:
- NGO trợ giúp nhóm yếu thế
Nhóm NGO này chuyên tổ chức các hoạt động vận động, quyên góp nhằm mục đích trợ giúp cho nhóm người yếu thế.
Các hoạt động của họ thường phổ biến trong phạm vi một quốc gia. Trong trường hợp có nguồn lực đủ mạnh, họ có thể mở rộng ra cả quốc tế.
- NGO hoạt động vì mục tiêu tôn giáo
Những NGO này hướng tới mục đích thực hiện các kỳ vọng, ước nguyện của giáo hội. Đồng thời, họ cũng tập trung vào việc truyền bá tôn giáo và phát triển thêm tín đồ.
- NGO hoạt động vì mục tiêu trợ giúp nghề nghiệp
Các NGO này có thể được thành lập trong phạm vi một đất nước, khu vực hay quốc tế. Họ hoạt động với mục tiêu trợ giúp những người có cùng hoàn cảnh đời sống, xã hội và hỗ trợ quá trình hội nhập.
2.3- Theo cơ sở pháp lý
NGO sẽ được chia thành 2 loại:
- Tổ chức phi chính phủ hoạt động vì các mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận.
- Tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục đích hỗ trợ phát triển.
3- Vai trò của tổ chức phi chính phủ
Các NGO giữ ba vai trò rất quan trọng trong việc mang đến sự phát triển cho toàn xã hội. Cụ thể:
3.1- Tạo ra đầu mối liên kết cho việc trao đổi thông tin giữa các quốc gia và giữa người dân với chính phủ
Thông qua các hoạt động truyền thông, NGO giúp cơ quan chính phủ hiểu được mong muốn, kỳ vọng của người dân. Đồng thời, họ cũng là cầu nối trung gian giúp người dân nắm được các kế hoạch, chính sách hành động của chính phủ.
Ngoài ra, NGO còn là yếu tố góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới. Bằng các dự án, chương trình hành động thiết thực, họ đã giúp những quốc gia cần trợ giúp nhận được nguồn vốn đầu tư cần thiết.
3.2- Tạo cơ hội để mọi người tham gia vào việc thúc đẩy sự phát triển xã hội
NGO tập trung phát triển các sáng kiến, ý tưởng đột phá tại địa phương nhằm giải quyết triệt để những vấn đề đang tồn tại ở đó. Đồng thời, họ cũng cung cấp các điều kiện thuận lợi để người dân địa phương tham gia vào các chương trình cải thiện và phát triển giá trị xã hội.
Các chương trình của NGO cho phép người dân tham gia một cách tự nguyện. Từ đó, họ có thể thực hiện được các mục tiêu công dân và tham gia xây dựng, thực hiện các dự án, chương trình thực sự có ý nghĩa với họ.
Các tổ chức NGO hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhờ vậy, chúng ta có thể thấy được những phương diện đa dạng của xã hội.
Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ còn thực hiện quá trình giúp đỡ xã hội bằng cách trao quyền hành động cho công dân tại địa phương. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì nó có thể tạo ra sự đổi mới từ tận gốc rễ của vấn đề.
Khi mỗi công dân nhận được sự giáo dục tốt, khả năng nhận thức của họ sẽ được nâng cao. Từ đó, họ sẽ hiểu được trách nhiệm và thêm quyết tâm trong việc tạo ra những thay đổi tích cực cho quê hương mình.
3.3- Thay mặt người dân trong việc phát ngôn và cố gắng tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên các chính sách, chương trình của chính phủ
Có nhiều cách khác nhau để NGO thực hiện được việc này. Chẳng hạn họ có thể tổ chức các diễn đàn, vận động bỏ phiếu hay thực hiện các dự án cụ thể.
Trong các dự án, chương trình NGO thực hiện, họ có thể đóng nhiều vai trò khác nhau. Họ có thể là người thay mặt cho người dân, người thực hiện chương trình cho chính phủ, nhà cố vấn, nhà phê bình, nhà tài trợ hay là các hòa giải viên.
4- Nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ đến từ đâu?
Nguồn vốn của mỗi NGO rất đa dạng và khác nhau. Tùy theo quy mô tổ chức lớn hay nhỏ, mục tiêu, phạm vi hoạt động như thế nào mà nguồn vốn sẽ có điểm đặc trưng riêng.
Thông thường, các tổ chức NGO sẽ phải dựa vào các nguồn vốn chính sau:
4.1- Nguồn vốn từ ngân sách chính phủ
NGO có sự tách bạch tương đối với chính phủ. Nhưng, điều này không có nghĩa là họ hoàn toàn độc lập về mặt tài chính. Thực tế, rất nhiều tổ chức NGO chịu phụ thuộc vào nguồn ngân sách chính phủ để duy trì khả năng hoạt động.
Tại các nước tư bản, có một tỷ lệ %GPD nhất định được trích ra nhằm hỗ trợ tổ chức phi chính phủ thực hiện các mục tiêu cụ thể. NGO nhận tài trợ từ chính phủ sẽ phải tuân theo Pháp luật, Chính sách tại Quốc gia đó. Điều này có thể làm nảy sinh các xung đột vì lợi ích.
Tại Việt Nam, hầu hết các NGO đều không nhận được nguồn tài trợ từ chính phủ. Thay vào đó, chính phủ các nước khác sẽ tài trợ cho tổ chức NGO nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
4.2- Nguồn vốn từ các hoạt động gây quỹ
NGO có thể tổ chức các chương trình, hoạt động gây quỹ nhằm tạo ra nguồn vốn cần thiết cho các hoạt động của tổ chức.
Những hoạt động gây quỹ này thường được NGO tổ chức khá thường xuyên. Nó đảm bảo tổ chức có đủ nguồn tiền cần thiết để tồn tại và phát triển.
4.3- Nguồn vốn đến từ khoản đóng góp, tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác
Rất nhiều cá nhân, tổ chức thường xuyên quyên góp tiền tài, hiện vật cho các tổ chức NGO để giúp họ duy trì hoạt động và thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội đã dự định.
Việc quyên góp, tài trợ này thường được thực hiện qua kênh thanh toán, tài khoản ngân hàng chính thức của tổ chức. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng về tài chính tại các tổ chức phi chính phủ.
4.4- Nguồn vốn đến từ việc bán sản phẩm, dịch vụ
Một số NGO đang chuyển hóa thành các doanh nghiệp xã hội. Họ tham gia kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ và bán chúng để tạo ra nguồn quỹ hoạt động ổn định cho tổ chức.
5- Tình hình hoạt động các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam
Theo Uptalent được biết, hiện có hơn 900 tổ chức NGO đã thiết lập mối quan hệ với Việt Nam. Trong đó ước tính khoảng 600 tổ chức thường xuyên có các hoạt động tại nước ta.
Các NGO đang hoạt động tại Việt Nam đều có mục đích, sứ mệnh, quy mô giải ngân, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và phương thức hành động cụ thể.
Bằng những dự án, chương trình thiết thực, các tổ chức NGO nước ngoài đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho Việt Nam. Cụ thể:
5.1- NGO giúp thúc đẩy mối quan hệ chính trị đối ngoại
Hiện tại, NGO được xem là kênh hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Với sự trợ giúp của NGO, Nhà nước Việt Nam đã thành công nhận được sự ủng hộ từ quốc tế về các chính sách triển khai hoạt động đối ngoại.
Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng giúp Việt Nam rất nhiều trong các hoạt động bảo vệ chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo nền hòa bình cho môi trường phát triển tại khu vực cũng như quốc tế.
5.2- Thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Một số tổ chức NGO nước ngoài đã cho thấy được tầm quan trọng của họ trong việc thúc đẩy, hỗ trợ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tại Việt Nam.
Không những thế, họ còn đứng ra bảo vệ Việt Nam trước các vấn đề về hợp tác thương mại với Châu Mỹ và EU.
5.3- Cải thiện các vấn đề xã hội
Các tổ chức NGO nước ngoài đã cung cấp cho Việt Nam nhiều khoản viện trợ lớn nhằm hỗ trợ công tác phát triển xã hội và giải quyết những khó khăn xuất hiện tại nhiều khu vực, địa phương vùng sâu, vùng xa hay vùng dân tộc thiểu số.
Rất nhiều dự án, chương trình tập trung vào các lĩnh vực quan trọng đã được thực hiện, như là: xóa dói giảm nghèo, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, cải cách kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng chống ma túy, buôn người,…
Có thể thấy, sự tồn tại của các NGO ngày càng giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa các quốc gia và cộng đồng xã hội. Vì vậy, hiểu rõ tổ chức phi chính phủ là gì cũng như vai trò và các thông tin liên quan khác về nó sẽ rất hữu ích với bạn. Chúc bạn luôn thành công!
-
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080 Email: [email protected] / [email protected] Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet