30 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật, ghi nhận sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Cho đến thời điểm này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 580 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Theo đà tăng trưởng như vậy, khả năng đến cuối năm, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta có thể đạt 800 tỷ USD.
Phân tích về thị trường xuất khẩu hàng hóa 9 tháng qua, theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 17,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 43,56 tỷ USD; thị trường EU ước đạt 38,1 tỷ USD; Hàn Quốc ước đạt 18,9 tỷ USD; Nhật Bản ước đạt 18 tỷ USD…Ở góc độ ngành hàng xuất khẩu, đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù kim ngạch tháng 9/2024 giảm 9,9% so với tháng trước, đạt 34,05 tỷ USD, song tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%. Qua đó cho thấy tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Dữ liệu đáng chú ý trong 9 tháng qua, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, trong nhóm này có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%.
Về cơ cấu nhóm hàng, cả ba nhóm nông, lâm, thuỷ sản; công nghiệp chế biến chế tạo; nhiên liệu khoáng sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản đạt 28,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: hạt tiêu tăng 45%; cà phê tăng 37,8%; gạo tăng 23%; chè các loại tăng 31,9%; rau quả tăng 33,9%; nhân điều tăng 21,7%.
Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục vai trò đầu tàu khi đạt 253,9 tỷ USD, chiếm 84,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số, có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: sản phẩm chất dẻo tăng 30,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 21,5%; hàng dệt và may mặc tăng 8,9%; giầy dép các loại tăng 12,5%; sắt thép các loại tăng 14,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 27,4%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 30%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 22%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 7,2%...
Đối với nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng xuất khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tuy đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhóm hàng dệt may vẫn duy trì phong độ khi mang về hơn 32,4 tỷ USD, tăng 6-7% so với cùng kỳ năm trước. Với tình hình hiện nay, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may Việt Nam dự kiến có thể đạt từ 43 đến 44 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ khi có Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi xuất khẩu sang Trung Quốc ký vào tháng 7/2022, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng vượt bậc và sầu riêng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 của ngành rau quả Việt Nam, với giá trị đạt hơn 2,2 tỷ USD năm 2023 và đã vượt mốc 2,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, dự kiến có thể đạt hơn 3 tỷ USD khi kết thúc năm 2024.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tính đến nay ngoài 14 loại nông sản đi theo đường chính ngạch, còn lại hầu hết mặt hàng xuất qua kênh buôn bán biên giới (tiểu ngạch). Nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào.
Cùng với đó là lợi thế về các Hiệp định thương mại song phương (FTA) và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có hơn 1.450 km đường biên giới (đường thủy, đường bộ) với Trung Quốc, nên chi phí logistics thấp, cạnh tranh hơn so với các nước. Vì vậy, hiện còn dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trái cây của hai nước khai thác, phát huy.
Thách thức nào ở quý cuối năm?
Vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu trong 9 tháng qua, song tình hình những tháng cuối năm được dự báo đối mặt không ít thách thức. Bộ Công Thương dự báo trong xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức.
Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Bởi các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn. Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Tuy nhiên, diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông.
Các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu...
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Công Thương đưa ra từ nay đến hết năm là tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững...