Kinh doanh khởi sắc nhưng nợ xấu “phình to” 1.675 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc hơn đầu kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý này của ngân hàng đạt gần 267 tỷ đồng, tăng 28% so với lợi nhuận quý 1/2024 là gần 209 tỷ đồng.
Lợi nhuận trong quý 2/2024 của VietABank tăng mạnh nhờ sự tăng trưởng các hoạt động kinh doanh như: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ là 33 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ là 24 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác là 35 tỷ, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ là gần 18 tỷ đồng; Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối là gần 5 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ…
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, VietABank ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự là gần 3.503 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ là 4.390 tỷ đồng. Mặc dù, lợi nhuận các khoản thu nhập này giảm, nhưng do nhờ tiết giảm chi phí nên thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn tăng cao (tăng gần 20% lên 1.052 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là 878 tỷ đồng), và đặc biệt là khoản lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng hơn 131% lên gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là 43 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 2/2024 của VietABank còn cho thấy, các khoản tăng thu nhập từ hoạt động khác không được ngân hàng thuyết minh một cách cụ thể.
Đáng chú ý, tổng nợ xấu của VietABank tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 1.675 tỷ đồng, tăng 52% so với mức 1.100 tỷ đồng ở đầu kỳ.
Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng hơn 30 tỷ đồng lên mức 605 tỷ, tương đương tăng 5% so với đầu kỳ là gần 575 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng hơn 224 tỷ đồng lên mức hơn 246 tỷ đồng, gấp 11 lần so với đầu kỳ là gần 22 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng hơn 319 tỷ đồng lên mức 823 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu kỳ là gần 504 tỷ đồng.
Trong khi tổng nợ xấu tại VietABank là 1.675 tỷ đồng thì khoản nợ có khả năng mất vốn là 823 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nợ xấu của nhà băng này. Các khoản nợ xấu đang “phình to” sẽ tiềm ẩn những rủi ro và đồng thời kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 1,6% lên 2,3%, do đó ngân hàng phải trích lập dự phòng hơn 902 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 2/2024 của VietABank có nhiều khởi sắc, nhưng do nợ xấu ngày càng “phình to” nên ngân hàng phải trích lập dự phòng hơn 902 tỷ đồng.
Gian nan thu hồi khoản cho vay khủng quá hạn 12 năm
Thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn… hiện đang là bài toán nan giải đối với VietABank. Đơn cử, thời gian gần đây, nhà băng này “đau đầu” vì khoản cho vay hàng trăm tỷ đồng đối với Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 585 (Công ty 585) đã quá hạn hơn 12 năm nhưng vẫn chưa thu hồi được. Thậm chí khoản cho vay này đã khiến ngân hàng vướng vào rắc rối lớn khi hiện tại đang xảy ra tranh chấp, khiếu nại chưa có hồi kết.
Tính đến hết tháng 6/2024, tổng nợ xấu của VietABank là 1.675 tỷ đồng, tăng 52% so với mức 1.100 tỷ đồng ở đầu kỳ, trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 823 tỷ đồng chiếm gần 50% tổng nợ xấu của nhà băng này.
Theo tìm hiểu, năm 2010, VietABank đã cho công ty 585 vay số tiền gần 265 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là 219 căn hộ hình thành trong tương lai tương đương 268 tỷ đồng tại chung cư Phú Thạnh (số 53 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM).
Sau đó, phía công ty 585 đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp. Đến ngày 6/6 vừa qua, VietABank đã ra thông báo tiến hành khởi kiện và đề nghị công ty bàn giao lại các căn hộ đã thế chấp. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản thế chấp tại chung cư Phú Thạnh của ngân hàng bị các cư dân phản đối vì họ cho rằng tài sản này họ đã mua từ nhiều năm trước và đã thanh toán 95% giá trị tài sản cho phía công ty 585.
Ngày 21/6 vừa qua, tại cuộc họp giữa các bên liên quan, đại diện VietABank cho biết, khoản nợ trên đã quá hạn 12 năm và đến nay công ty 585 còn nợ gần 190 tỷ đồng tiền gốc, chưa tính lãi phát sinh.
“Với đề xuất hỗ trợ gia hạn thời gian thanh toán khoản nợ trên thêm 3 năm mà phía công ty 585 đưa ra, chúng tôi sẽ có báo cáo đến ban lãnh đạo và gửi văn bản thống nhất đến các bên liên quan để ổn định tình hình cư dân”, đại diện VietABank cho hay.
Từ những thông tin trên, có thể thấy, việc thu hồi nợ của VietABank đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nếu nhà băng này tiếp tục gia hạn thêm 3 năm nữa cho công ty 585 thì chỉ riêng khoản nợ này mà đã kéo dài đến gần hai thập kỷ và việc xử lý dứt điểm khoản nợ khủng quá hạn như trường hợp của công ty 585 sẽ là bài toán nan giải đối với ngân hàng.
Phớt lờ quy định
Liên quan đến việc cho vay của VietABank, ngày 02/8/2010, ngân hàng và công ty 585 ký hợp đồng tín dụng, số tiền được duyệt hạn mức cho vay là 270 tỷ đồng, ngân hàng giải ngân cho vay số tiền gần 265 tỷ đồng, tài sản đảm bảo vay số lượng là 219 căn hộ tương đương hơn 268 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy công ty 585 đã được ngân hàng cho vay gần 265/268 tỷ đồng (tài sản thế chấp là 219 căn hộ), tương đương mức duyệt vay hơn 98%. Với tỷ lệ LTV (Loan to Value Ratio, tỷ lệ tài chính được sử dụng để đánh giá rủi ro của một khoản vay) hơn 98%, đây là tỷ lệ rất cao, sẽ gây rủi ro rất lớn cho ngân hàng.
Thông báo của VietABank liên quan đến việc xử lý khoản cho vay khủng quá hạn hơn 12 năm đối với công ty 585.
Hơn nữa, tỷ lệ LTV cho vay tiêu dùng và bất động sản thường ở mức tối đa 70% - 80% giá trị tài sản đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế. Việc VietABank cho vay với tỷ lệ LTV hơn 98%, vượt quá quy định, cho thấy nhà băng này đang “phớt lờ” các quy định của các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, tại chung cư Phú Thạnh có nhiều giao dịch xảy ra liên quan đến vấn đề quản lý tài sản của VietABank có dấu hiệu trái quy định của pháp luật. Có những giao dịch mua bán giữa chủ đầu tư là công ty 585 với khách hàng, sau đó mới được công ty 585 đưa vào làm tài sản đảm bảo khoản vay tại VietABank và ngược lại.
Cụ thể, như đã nói ở phần trên, năm 2010, công ty 585 thế chấp 219 căn hộ để vay số tiền gần 265 tỷ đồng tại VietABank. Tuy nhiên, đến năm 2012, công ty 585 tiếp tục ký hợp đồng mua bán với khách hàng (bao gồm 219 căn hộ), thu tiền lên đến 95%; tiền của khách hàng được chuyển vào tài khoản chủ đầu tư mở tại VietABank.
Như vậy, một tài sản vừa mang đi thế chấp, vừa bán cho khách hàng và tiền đều được chảy về VietABank. Do đó, cần làm rõ việc liệu ngân hàng này có tiếp tay cho công ty 585 từ khâu thẩm định giá đến việc ký hợp đồng mua bán với khách hàng hay không?
Trâm Anh
Link nội dung: https://tree.edu.vn/vietabank-no-xau-tang-chong-mat-no-co-kha-nang-mat-von-chiem-gan-50-tong-no-xau-a15715.html