Lợi nhuận sau thuế là gì? Cách tính toán và phân phối lợi nhuận sau thuế
Lợi nhuận sau thuế là chỉ số quan trọng trong việc định giá cổ phiếu, phản ánh khả năng sinh lời và sức mạnh tài chính của doanh nghiệp. Vậy, lợi nhuận sau thuế là gì? Công thức tính lợi nhuận sau thuế ra sao? Và mẫu quyết định chia lợi nhuận sau thuế như thế nào? Hãy cùng Base.vn khám phá mọi khía cạnh liên quan đến lợi nhuận sau thuế trong bài viết dưới đây.
1. Lợi nhuận sau thuế (NPAT) là gì?
Lợi nhuận sau thuế (Net Profit After Tax - NPAT) hay Lợi nhuận ròng, Lãi ròng là khoản lợi nhuận cuối cùng còn lại sau khi doanh nghiệp đã trừ tất cả các khoản chi phí và các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ theo quy định.
2. Cách tính lợi nhuận sau thuế hiện nay? Ví dụ minh hoạ
Lợi nhuận sau thuế được tính theo công thức:
LỢI NHUẬN SAU THUẾ = Tổng doanh thu - Tổng chí phí - Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Trong đó:
Tổng doanh thu: Tổng số tiền doanh nghiệp thu được từ hoạt động kinh doanh then chốt (bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ) trong một năm tài chính. Tổng doanh thu được tính bằng cách nhân giá bán của sản phẩm với số lượng sản phẩm đã bán ra.
Tổng chi phí: Tất cả số tiền doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao gồm giá nguyên liệu, chi phí nhân công, thuê kho bãi, chi phí vận hành doanh,…
Thuế TNDN: Khoản tiền thuế doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước, được tính trên thu nhập tính thuế của doanh nghiệp, bao gồm thu nhập từ hoạt động bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ và thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Công ty A có tổng doanh thu là 1.000.000.000 VNĐ:
Tổng chi phí nguyên vật liệu, thuê nhân công, thuê kho: 300.000.000 VNĐ;
Thuế suất thuế TNDN cơ bản: 20%.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty A được tính như sau:
1.000.000.000 - 300.000.000 - (20% x 1.000.000.000) = 500.000.000 đồng.
Đọc thêm: Lợi nhuận là gì? Định nghĩa, phân loại, cách tính và các chiến lược tối ưu
3. Lưu ý về cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
3.1 Công thức tính
Căn cứ quy định tại Điều 6 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và Điều 5 của Nghị định 218/2013/NĐ-CP, thuế TNDN được tính theo công thức:
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế trong kỳ x Thuế suất thuế TNDN
Trong đó:
Thu nhập tính thuế:
Là tổng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các nguồn thu nhập khác trong kỳ tính thuế, sau khi đã trừ các khoản chi phí hợp lý và không hợp lý theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Công thức: Thu nhập tính thuế = (Doanh thu + Các khoản thu nhập khác) - (Chi phí sản xuất, kinh doanh + Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước)
Thuế suất thuế TNDN:
Là tỷ lệ phần trăm thuế áp dụng lên thu nhập tính thuế của doanh nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại Điều 10, Điều 13 và Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Điều 10 của Nghị định 218/2013/NĐ-CP, mức thuế suất thuế TNDN thường là 20%.
Đối với các doanh nghiệp tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khai thác khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam, mức thuế suất thuế TNDN là từ 32% đến 50%, tùy theo từng dự án hoặc từng cơ sở kinh doanh.
3.2 Những khoản thu nhập doanh nghiệp được miễn thuế
Theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 78/2015/TT-BTC và khoản 3 Điều 6 của Thông tư 96/2015/TT-BTC, có 12 trường hợp doanh nghiệp được miễn thuế TNDN, bao gồm:
Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, và sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, và ngư nghiệp, diêm nghiệp tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn; thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, và thủy sản tại địa bàn khó khăn; và thu nhập từ đánh bắt hải sản.
Thu nhập từ dịch vụ kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, bao gồm dịch vụ kỹ thuật tưới tiêu; cày bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng; phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây trồng, và vật nuôi; và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
Thu nhập từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thu nhập từ hoạt động bán sản phẩm trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm và được sản xuất bằng công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam
Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, và cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp có số lượng lao động là người khuyết tật, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy bình quân trong năm chiếm từ 30% trong tổng số lao động của doanh nghiệp.
Thu nhập từ việc đào tạo, dạy nghề cho người dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người đang hoặc sau cai nghiện, và người nhiễm HIV.
Thu nhập từ việc góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, và liên kết kinh tế với các doanh nghiệp trong nước.
Các khoản tiền được tài trợ để sử dụng cho mục đích giáo dục, thực hiện nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, thiện nguyện, nhân đạo, và các hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) lần đầu của các doanh nghiệp được cấp chứng chỉ; các lần chuyển nhượng tiếp theo phải nộp thuế TNDN theo quy định.
Thu nhập từ hoạt động cho vay tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu, tín dụng cho người có hoàn cảnh khó khăn, và các đối tượng khác thuộc diện chính sách xã hội của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Khoản thu nhập không chia thuộc các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, và đào tạo; khoản thu nhập không chia của hợp tác xã được để lại để hình thành tài sản của hợp tác xã.
Thu nhập từ hoạt động chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Thu nhập của các văn phòng thừa phát lại (trừ các khoản thu nhập không phát sinh từ hoạt động thừa phát lại) trong thời gian thực hiện thí điểm theo quy định của Pháp luật về thi hành án dân sự.
4. Nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế
Phân phối lợi nhuận sau thuế là quá trình phân chia phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, bao gồm việc trả lợi nhuận cho cổ đông, trích lập các quỹ, hoặc giữ lại để đầu tư cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong năm tiếp theo.
Theo Thông tư số 64/1999/TT-BTC của Bộ Tài chính “Hướng dẫn về phân phối lợi nhuận sau thuế và quản lý các quỹ trong doanh nghiệp Nhà nước”, lợi nhuận sau thuế được phân chia theo nguyên tắc sau:
Bù đắp lỗ: Doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận để bù đắp các khoản lỗ từ những năm trước đã được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định.
Chia lãi cho các bên góp vốn: Doanh nghiệp phân chia lợi nhuận các bên góp vốn theo các hợp đồng đã ký kết.
Trích quỹ dự phòng tài chính: Doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận vào quỹ dự phòng tài chính.
Trích các quỹ đặc biệt: Theo quy định, lợi nhuận cũng được trích lập các quỹ đặc biệt.
Quỹ đầu tư phát triển: Doanh nghiệp trích tối đa 30% lợi nhuận vào quỹ đầu tư phát triển của công ty.
Quỹ khen thưởng và phúc lợi xã hội: Doanh nghiệp sử dụng một phần lợi nhuận để tạo quỹ khen thưởng và phúc lợi xã hội cho người lao động trong công ty.
Quỹ thưởng cho quản lý: Doanh nghiệp trích lập quỹ thưởng cho nhân viên quản lý trong doanh nghiệp và kiểm soát viên.
Sau khi doanh nghiệp đã thực hiện các khoản trích lập trên, phần lợi nhuận còn lại sẽ được phân chia cho các thành viên hoặc được trả dưới hình thức cổ tức cho cổ đông.
Đọc thêm: Lợi nhuận ròng là gì? Cách tăng lãi ròng cho doanh nghiệp
5. Mẫu quyết định chia lợi nhuận sau thuế (Tải miễn phí)
Việc quyết định phân chia lợi nhuận sau thuế không chỉ thể hiện sự công bằng mà còn đảm bảo tính minh bạch trong việc phân phối lợi ích giữa các thành viên. Base.vn đã soạn sẵn mẫu quyết định phân chia lợi nhuận sau thuế để doanh nghiệp tham khảo và sử dụng.
Bạn có thể tải mẫu quyết định này TẠI ĐÂY
6. Các câu hỏi thường gặp về lợi nhuận sau thuế
6.1 Lợi nhuận sau thuế được thể hiện trong Báo cáo tài chính như thế nào?
Trong Báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế TNDN được thể hiện tại chỉ tiêu mã số 60 trên bảng Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, được tính bằng công thức:
Lợi nhuận sau thuế TNDN = Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế - Chi phí thuế TNDN hiện hành - Chi phí thuế TNDN hoãn lại
6.2 Khi chia lợi nhuận sau thuế có phải nộp thuế TNCN không?
Có. Chúng ta cần xem xét 2 căn cứ pháp lý:
Thứ nhất, theo Khoản 3, Điều 2 của Thông tư 111/2013/TT-BTC, các khoản thu nhập từ chia lợi nhuận sau thuế, như cổ tức và lợi tức, được xem là thu nhập từ đầu tư vốn và phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Thu nhập từ đầu tư vốn bao gồm:
Tiền lãi từ cho vay theo hợp đồng, trừ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng.
Cổ tức từ việc góp vốn mua cổ phần.
Lợi tức từ góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh, hợp tác xã, và các hình thức kinh doanh khác.
Lợi nhuận từ tăng giá trị vốn góp khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, hoặc khi rút vốn.
Thu nhập từ lãi trái phiếu, tín phiếu, và các giấy tờ có giá khác, trừ các trường hợp đặc biệt.
Các thu nhập từ đầu tư vốn khác, bao gồm cả góp vốn bằng hiện vật, danh tiếng, quyền sử dụng đất, phát minh, sáng chế.
Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu hoặc lợi tức ghi tăng vốn.
Thứ hai, theo Khoản 6, Điều 11 của Thông tư 92/2015/TT-BTC, lợi tức nhận được từ góp vốn vào các loại hình công ty nói trên phải chịu thuế TNCN, ngoại trừ lợi tức từ doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ.
Như vậy, cá nhân được chia lợi nhuận sau thuế vẫn phải đóng thuế TNCN, ngoại trừ lợi tức từ các công ty tư nhân và công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ.
6.3 Lợi nhuận sau thuế có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp không?
Có. Lợi nhuận sau thuế là chỉ số quan trọng trong định giá doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu. Khi lợi nhuận sau thuế tăng, cho thấy doanh nghiệp đang tăng trưởng tích cực, vì vậy giá cổ phiếu thường tăng theo.
Nhà đầu tư thường xuyên theo dõi tỷ suất lợi nhuận sau thuế để đánh giá khả năng sinh lời và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế cao không chỉ phản ánh sức mạnh tài chính của doanh nghiệp mà còn thu hút đầu tư và tạo thuận lợi trong việc vay vốn từ ngân hàng.
6.4 Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gì?
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là chỉ số thể hiện mức lãi hoặc lỗ sau thuế chưa được phân phối hoặc quyết toán tại thời điểm doanh nghiệp lập báo cáo. Đây là một yếu tố không thể thiếu trong bảng cân đối kế toán và thường được quan tâm bởi người đọc báo cáo tài chính, nhà đầu tư, và cổ đông.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thường được sử dụng cho các mục đích:
Phân chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư và chủ sở hữu dưới dạng cổ tức.
Phân chia lợi nhuận cho cổ đông hoặc các thành viên khác.
Giữ lại để tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự trữ cho các chi phí rủi ro trong tương lai.
Đọc thêm: Top 7 phần mềm quản lý tài chính doanh nghiệp tốt nhất hiện nay
7. Doanh nghiệp bạn muốn quản trị tài chính toàn diện? Tham khảo ngay Base Finance+
Quản trị tài chính là yếu tố then chốt để doanh nghiệp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời ứng phó với biến động trong kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng phương pháp quản lý tài chính truyền thống như nhập liệu thủ công và lưu trữ dữ liệu trong nhiều file khác nhau. Cách làm này khiến cho “bức tranh” tài chính tổng thể của doanh nghiệp bị phân mảnh, rời rạc, gây khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và hợp tác giữa các cá nhân và bộ phận liên quan.
Base Finance+ là Bộ giải pháp quản trị tài chính toàn diện thời gian thực, giúp doanh nghiệp khắc phục những hạn chế này cũng như cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên. Bộ giải pháp bao gồm 4 ứng dụng nổi bật:
Base Finance: Cung cấp cho chủ doanh nghiệp, nhà quản lý một cái nhìn toàn diện và khách quan về tình hình tài chính mọi lúc, mọi nơi.
Base Income: Hỗ trợ doanh nghiệp quản lý doanh thu và dòng tiền, tối ưu hóa các khoản thu nhập.
Base Expense: Hỗ trợ doanh nghiệpkiểm soát chi phí một cách chặt chẽ, tránh tình trạng lãng phí và thất thoát.
Base BankFeeds: Hỗ trợ doanh nghiệp quản lý việc đối soát ngân hàng, cập nhật và đối chiếu dữ liệu với số dư thực tế một cách nhanh chóng.
Base Finance+ trực quan hóa dòng chảy tài chính, cung cấp dữ liệu kịp thời và chính xác cho lãnh đạo ra quyết định. Đồng thời, nó tạo ra một không gian số hóa, cho phép tất cả nhân sự tham gia cải thiện “sức khỏe tài chính” của tổ chức, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0.
8. Kết luận
Lợi nhuận sau thuế không chỉ là một con số trên báo cáo kết quả kinh doanh mà còn là tiêu chí quan trọng để ngân hàng đánh giá khả năng thanh toán và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp khi xem xét cho vay. Quản lý hiệu quả lợi nhuận sau thuế giúp doanh nghiệp duy trì sự phát triển bền vững và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và cổ đông. Base.vn hy vọng bài viết đã cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin cần thiết để quản lý tốt chỉ số lợi nhuận này. Chúc doanh nghiệp áp dụng kiến thức thành công!