Vào ngày 29/9/1916, báo chí Mỹ công bố một cột mốc tài sản tưởng chừng như không thể đạt được: thế giới đã có tỷ phú USD đầu tiên.
“Cổ phiếu Standard Oil đạt mức giá 2.014 USD/oz đưa người đứng đầu công ty này trở thành một tỷ phú”, tờ báo New York Times giật tít. Bài báo cho biết đà tăng mạnh của cổ phiếu Standard Oil “đưa ông John D. Rockerfeller - nhà sáng lập và là cổ đông lớn nhất của công ty - gần như chắc chắn trở thành tỷ phú”.
Hơn 1 thế kỷ trôi qua sau khi tỷ phú đầu tiên của thế giới xuất hiện ở Mỹ, giờ là lúc nhiều người băn khoăn ai sẽ là người đầu tiên trên hành tinh đạt tới cột mốc tài sản 1 nghìn tỷ USD.
Hiện đã có 7 công ty niêm yết ở Mỹ đạt mốc vốn hóa 1 nghìn tỷ USD. Gần đây nhất, tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đạt tới mức vốn hóa này, ngay trước ngày sinh nhật thứ 94 của nhà đầu tư huyền thoại. Hãng sản xuất con chip Nvidia đang có mức vốn hóa 2,6 nghìn tỷ USD, dù mới chỉ gia nhập câu lạc bộ vốn hóa nghìn tỷ USD vào năm ngoái.
Vậy các cá nhân thì sao? Hãng tin CNBC dẫn một báo cáo mới từ Infoma Connect Academy cho biết nếu dựa trên tốc độ tăng trưởng tài sản hàng năm để dự báo, CEO Elon Musk của hãng xe điện Tesla có thể sẽ trở thành tỷ phú đầu tiên của thế giới cán mốc tài sản 1 nghìn tỷ USD.
Ông Musk hiện là người giàu nhất thế giới, sở hữu khối tài sản ròng 251 tỷ USD - theo dữ liệu từ xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index. Connect Academy dự báo ông Musk sẽ đạt tới mốc tài sản 1 nghìn tỷ USD vào năm 2027, trên cơ sở cho rằng tài sản của ông sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hàng năm 110%.
Cũng theo báo cáo trên, người thứ hai có thể đạt mức tài sản 1 nghìn tỷ USD sẽ là tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani - nhà sáng lập tập đoàn Adani Group. Nếu ông Adani giữ được tốc độ tăng trưởng tài sản 123% mỗi năm, ông sẽ đạt tới ngưỡng tài sản đó vào năm 2028.
Người thứ ba là ông Jensen Huang, CEO của Nvidia. Ông Huang - người đã chứng kiến khối tài sản ròng cá nhân tăng vọt từ 3 tỷ USD lên hơn 90 tỷ USD trong vòng 5 năm - có thể đạt mốc tài sản 1 nghìn tỷ USD vào năm 2028, theo Connect Academy. Để dự báo này trở thành hiện thực, tài sản của ông Huang cần tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hàng năm 112%. Cổ phiếu Nvidia đã tăng khoảng 115% trong năm nay, sau khi tăng gấp hơn 3 lần trong năm ngoái.
Nhân vật thứ tư là tỷ phú Indonesia Prajogo Pangestu - nhà sáng lập công ty năng lượng và khai thoáng Barito Pacific. Báo cáo trên dự báo tài sản của ông Pangestu đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2028.
Người cuối cùng trong top 5 là CEO Bernard Arnault của “đế chế” đồ hiệu Pháp LVMH - người hiện đang giàu thứ ba thế giới, sở hữu khối tài sản gần 200 tỷ USD. Connect Academy dự báo ông Arnault sẽ đạt địa vị tỷ phú nghìn tỷ USD vào năm 2030, cùng năm với CEO Mark Zuckerberg của Meta - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook.
Một số tỷ phú tưởng chừng có thể là ứng cử viên “nặng ký” cho việc đạt tới câu lạc bộ tài sản nghìn tỷ USD nhưng lại không có mặt trong top 10. Chẳng hạn, ông Jeff Bezos, người hiện giàu thứ hai thế giới với khối tài sản 200 tỷ USD, đứng thứ 12 trong danh sách những tỷ phú có thể đạt mức tài sản trên.
Ông Bezos được dự báo phải tới năm 2036 mới sở hữu khối tài sản 1 nghìn tỷ USD. Tương tự, hai nhà sáng lập Larry Page và Sergei Brin của công cụ tìm kiếm Google, cũng được cho là phải đợi 12 năm mới có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ USD, dù công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể rút ngắn thời gian cho họ.
Trên thực tế, giới phân tích đã dự báo về sự xuất hiện của tỷ phú sở hữu nghìn tỷ USD từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có ai đạt được giá trị tài sản ròng như vậy. Chưa kể, giá cổ phiếu của Tesla, Nvidia và LVMH có thể sẽ không tăng nhanh trong 5 năm tới đây như trong 5 năm qua.
Dù vậy, hơn 100 năm kể từ ngày thế giới có tỷ phú đầu tiên, vị tỷ phú nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới có thể sẽ xuất hiện trong thập kỷ tới.
Link nội dung: https://tree.edu.vn/top-10-ty-phu-co-the-dat-moc-tai-san-1-nghin-ty-usd-nhip-song-kinh-te-viet-nam-the-gioi-a14130.html