Nợ xấu là một thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là khi đề cập đến các khoản thanh toán tín dụng. Vậy nợ xấu là gì và có ảnh hưởng như thế nào đến người đi vay? Hãy cùng ngân hàng số Timo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nợ xấu là gì?
Nợ xấu là khoản nợ mà người vay không thể hoặc không có khả năng hoàn trả đúng hạn theo thỏa thuận ban đầu. Cụ thể, khi một cá nhân hoặc tổ chức vay tiền từ ngân hàng, tổ chức tài chính nhưng không thể thanh toán cả gốc và lãi khi đến hạn, khoản vay này sẽ được coi là nợ xấu. Mức độ nghiêm trọng của nợ xấu thường được phân loại dựa trên thời gian trễ hạn thanh toán và khả năng thu hồi nợ.
Nợ xấu là khoản tiền mà người vay không thể hoặc không có khả năng thanh toán (Nguồn: Internet)
Phân loại nợ xấu
Nợ xấu được phân thành 5 nhóm chính như sau:
Nhóm nợ chưa phải là nợ xấu:
- Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn):
- Các khoản nợ được xem là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc lẫn lãi trong thời hạn đã định.
- Các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày nhưng vẫn được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc lẫn lãi.
- Nhóm 2 (Nợ cần chú ý):
- Các khoản nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày.
- Các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu còn trong hạn.
- Các khoản nợ được xếp vào nhóm 2 theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 10 Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
Nhóm nợ được xem là nợ xấu:
- Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn):
- Các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày.
- Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi vì người vay không đủ khả năng trả đầy đủ theo hợp đồng.
- Các khoản nợ thuộc các trường hợp vi phạm quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, chưa thu hồi được trong thời gian dưới 30 ngày từ ngày có quyết định thu hồi.
- Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ):
- Các khoản nợ quá hạn sau 180 ngày đến 360 ngày.
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày.
- Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai còn trong hạn.
- Các khoản nợ chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 đến 60 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi.
- Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn):
- Khoản nợ quá hạn thanh toán trên 360 ngày.
- Khoản vay đã được tái cơ cấu thời hạn thanh toán lần đầu và hiện đang quá hạn từ 91 ngày trở lên.
- Khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai bị quá hạn.
- Những khoản vay đã trải qua quá trình tái cơ cấu thời hạn thanh toán từ lần thứ ba trở đi.
- Các khoản nợ chưa thu hồi được trên 60 ngày từ ngày có quyết định thu hồi.
Xem thêm: Thế nào là nợ tín dụng và hậu quả khó lường?
Ảnh hưởng của nợ xấu đến người đi vay
Các khoản nợ xấu gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tài chính và cuộc sống của người vay. Một số tác động có thể kể đến như sau:
- Bị hạn chế hoặc mất quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính khác như sử dụng tín dụng, mua trả góp hay thậm chí là thuê nhà. Về lâu dài, tình trạng này có thể gây ra căng thẳng tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người đi vay.
- Người vay phải chịu hình phạt xử lý nợ xấu hoặc thu hồi tài sản thế chấp, gây khó khăn đến các hoạt động tài chính cá nhân.
- Tác động xấu đến điểm tín dụng cũng như khả năng vay vốn sau này. Ngay cả khi có thể vay được, lãi suất áp dụng thường sẽ cao hơn, làm tăng chi phí vay vốn.
Nợ xấu gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người đi vay (Nguồn: Internet)
Xem thêm: Nợ xấu có làm thẻ tín dụng được không? Cách xóa nợ xấu
Nợ xấu bao lâu thì được xóa?
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 03/2013/TT-NHNN, bạn sẽ được xóa thông tin nợ trên hệ thống CIC sau 5 năm kể từ thời điểm thanh toán hoàn tất khoản vay. Do đó, việc thanh toán nợ xấu sớm sẽ giúp bạn nhanh chóng được xóa nợ xấu.
Làm sao để tránh nợ xấu?
Bạn có thể cân nhắc thực hiện những điều dưới đây để tránh bị đánh giá nợ xấu:
- Quản lý tài chính cá nhân bằng cách lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng và theo dõi sát sao, đảm bảo rằng bạn không chi tiêu vượt quá thu nhập của mình.
- Sử dụng thẻ tín dụng một cách thông minh, chỉ vay số tiền mà bạn có khả năng trả nợ đúng hạn và hiểu rõ các điều khoản vay, bao gồm lãi suất cũng như các khoản phí khác.
- Duy trì lịch sử tín dụng tốt bằng cách thanh toán đúng hạn các khoản vay và hóa đơn. Nếu có khó khăn tài chính, hãy chủ động liên hệ với các tổ chức tín dụng để tìm giải pháp phù hợp, tránh để tình trạng nợ kéo dài và trở thành nợ xấu.
Xem thêm:
- Giải pháp nâng xếp hạng tín dụng cho chủ thẻ
- Không trả nợ thẻ tín dụng bị phạt như thế nào? Có bị xử lý hình sự?
Hướng dẫn cách kiểm tra nợ xấu
Kiểm tra nợ xấu là một bước quan trọng để quản lý tài chính cá nhân và đảm bảo rằng bạn duy trì một hồ sơ tín dụng tốt. Dưới đây là 2 cách cơ bản giúp bạn kiểm tra nợ xấu chính xác nhất.
Cách 1: Kiểm tra nợ xấu bằng website CIC
CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam) là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin tín dụng của các cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam. Để kiểm tra nợ xấu qua website CIC, thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Đăng ký thông tin thông qua việc truy cập website CIC tại địa chỉ: https://cic.gov.vn/.
- Bước 2: Điền chính xác và đầy đủ mọi thông tin mà hệ thống yêu cầu > Chọn “Tiếp tục”.
- Bước 3: Sau khi đăng ký thành công, bạn sẽ nhận được mã OTP gửi về qua số điện thoại để xác thực tài khoản. Thực hiện theo hướng dẫn và đồng ý với các điều khoản được nêu. Sau đó, nhấn “Tiếp tục”.
Khi đã hoàn tất các bước trên, CIC sẽ gọi đến số điện thoại mà bạn đã đăng ký để xác thực thông tin. Nếu trùng khớp, CIC sẽ gửi kết quả đến email của bạn.
Cách 2: Kiểm tra nợ xấu qua App CIC Connect trên điện thoại
- Bước 1: Vào Google play hoặc App Store để tải ứng dụng CIC Connect.
- Bước 2: Đăng ký tài khoản và điền thông tin mà hệ thống yêu cầu.
- Bước 3: Mã OTP sẽ được gửi về > Nhập mã để xác nhận.
- Bước 4: Sau khi đã hoàn tất quá trình đăng ký, bạn hãy chọn “Khai thác báo cáo” để tiếp tục kiểm tra nợ xấu trên CIC.
- Bước 5: Sau đó, hãy xác thực khai báo một lần nữa bằng cách chọn một trong những hình thức: Face ID/Dấu vân tay/Mật khẩu số.
- Bước 6: Chọn mục Mua báo cáo tín dụng.
- Bước 7: Nhập mã OTP được gửi về để hoàn tất xác nhận.
- Bước 8: Kiểm tra báo cáo tín dụng để biết mình có đang mắc nợ xấu hay không.
Kiểm tra nợ xấu qua website hoặc ứng dụng của CIC (Nguồn: Internet)
Ngân hàng số Timo vừa giải đáp thắc mắc nợ xấu là gì, phân loại nợ xấu và những tác động đến người vay. Hy vọng rằng thông qua bài viết trên, bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích về nợ xấu và tránh phát sinh nợ xấu hiệu quả.