Từ khi ra mắt, Bitcoin luôn là gương mặt đại diện của thị trường crypto. BTC là đồng coin chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn nhất và được coi là “vàng kĩ thuật số”. Thế nhưng với ứng dụng chỉ để lưu trữ, gửi và nhận đã giới hạn Bitcoin trong chính vòng tròn của mình. Gã khổng lồ dường như đã ngủ say khi những hệ sinh thái khác phát triển thần tốc và bắt đầu có người tin Bitcoin sẽ mất vị thế đứng đầu thị trường.
Tuy nhiên khi gã khổng lồ thức giấc, Bitcoin đã cho toàn thị trường thấy sức ảnh hưởng của mình. Mỗi khi BTC biến động đều ảnh hưởng tới những token khác. Với giá trị vốn hoá và thanh khoản lớn nhất, BTC luôn là lựa chọn số một của các tổ chức tài chính khi muốn tham gia vào thị trường crypto. Các công cụ đầu tư giúp thu hút dòng tiền lớn như Bitcoin ETF dần được chấp thuận. Bản thân hệ sinh thái cũng có nhiều nhà phát triển đang thử nghiệm các giải pháp để mang làn gió mới tới mạng lưới.
Hình ảnh bên dưới tóm tắt tất cả những gì xoay quanh chủ đề Bitcoin. Ở nội dung bên dưới, hãy cùng Coin98 Insights đi sâu hơn từng mảng chính của nó.
Thị trường crypto phát triển nhanh đi cùng với sự chấp nhận rộng rãi bởi đại chúng. Các loại tài sản số theo đó dần nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều tổ chức tài chính lớn đã công khai về việc ủng hộ crypto và khuyến khích khách hàng của mình dành một tỷ lệ nhất định của danh mục tài sản cho crypto.
BTC với việc chiếm hơn 50% vốn hoá thị trường crypto, luôn là lựa chọn đứng đầu cho các tổ chức tài chính với lượng tiền và tệp khách hàng khổng lồ. Hiện tại đã có 28 công ty công khai việc sở hữu BTC với tổng cộng 264,136 BTC, xấp xỉ 17 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại (1 BTC = 65,000 USD). Các công ty đầu tư vào BTC đều đang có lời, trong đó có những công ty có giá trị lợi nhuận rất cao như Micro Strategy với hơn 7 tỷ USD.
Ngoài các công ty đại chúng, đã có rất nhiều công ty tư nhân, tổ chức thậm chí là quốc gia thêm BTC vào danh mục tài sản. Điển hình là đất nước El Salvador với 2,301 BTC được mua ở giá trung bình là 44,189 USD, tính đến hiện tại quốc gia này đã lãi hơn 52 triệu USD. Đây là động lực thúc đẩy thêm các tên tuổi khác tham gia nắm giữ BTC nói chung và các tài sản crypto khác nói riêng để đa dạng hoá danh mục tài sản.
Để giúp những nhà đầu tư truyền thống thoải mái và không rắc rối với các thao tác khi đầu tư vào BTC, Bitcoin ETF đã được phát triển và hiện có thể giao dịch trên nhiều sàn chứng khoán lớn.
Bitcoin ETF là nhóm các tài sản có liên quan đến Bitcoin hoặc giá Bitcoin được cung cấp trên các sàn giao dịch chứng khoán truyền thống bởi các công ty môi giới, giao dịch dưới dạng chứng chỉ quỹ (ETF).
Bitcoin ETF sử dụng cấu trúc tương tự như ETF truyền thống để cho phép giao dịch. Giá của ETF sẽ theo sát giá của Bitcoin. Khi giá trị của Bitcoin tăng và giảm, giá trị của ETF sẽ tăng và giảm tương ứng.
Đọc thêm: Bitcoin ETF và những tác động của Bitcoin ETF.
Từ khi bắt đầu được giao dịch, dòng tiền Bitcoin ETF chủ yếu dương với tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) đạt hơn 57 tỷ USD. Nhìn vào biểu đồ, ta có thể thấy sự tương quan giữa giá BTC với dòng tiền Bitcoin ETF.
Trong số tài sản được quản lý, một thị phần lớn giá trị đang được các tổ chức tài chính lớn như Grayscale, Bitwise, BlackRock quản lý. Việc này như sự bảo chứng cho Bitcoin giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Với sự gia tăng nhanh chóng của dòng tiền đổ vào các quỹ ETF, đang dần có thêm nhiều tên tuổi lớn muốn phân chia miếng bánh này. Trong đầu tháng tư vừa qua, Morgan Stanley và UBS đã thông báo về việc cung cấp dịch vụ Bitcoin ETF cho khách hàng. Nhiều tổ chức tài chính ở Trung Quốc cũng thông báo sẽ ra mắt Bitcoin ETF.
Cứ mỗi 4 năm theo sự kiện Bitcoin halving, những chủ đề quen thuộc như phản ứng giá của BTC và câu chuyện liên quan đến thợ đào lại được bàn tán. Câu chuyện có thể cũ nhưng bối cảnh trong mỗi chu kỳ lại chứa nhiều biến động mà bản thân mỗi nhà đầu tư không nên bỏ qua.
Số lượng địa chỉ ví Bitcoin tiếp tục tăng và địa chỉ ví hoạt động dao động trong khoảng từ 800 nghìn đến 1.2 triệu địa chỉ ví hàng ngày.
Bitcoin Hash Rate, tỷ lệ liên quan đến độ khó đào chỉ có tăng, chứng tỏ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các thợ đào trong mạng lưới. Tuy nhiên lượng phí tạo ra trên mạng lưới Bitcoin lại không quá nhiều. Có thể thấy doanh thu của thợ đào hiện tại chủ yếu đến từ phần thưởng khối.
Bitcoin halving là sự kiện giảm một nửa (halving) phần thưởng khối cho các thợ đào Bitcoin, diễn ra khoảng 4 năm một lần. Mục tiêu của việc này là để kiểm soát lượng Bitcoin mới được tạo ra, giúp tăng độ khó khai thác, giới hạn nguồn cung tối đa của Bitcoin và chống lạm phát.
Dự kiến, lần halving thứ 4 sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 4 năm 2024. Sau lần Halving này, phần thưởng khối cho thợ đào trên mỗi block chỉ còn 3.125 BTC so 6.25 BTC ở thời điểm hiện tại, dẫn tới việc nguồn cung phát hành hàng năm của Bitcoin chỉ còn ở mức 0.9%.
Trong những lần Halving trước, giá Bitcoin sẽ thường tăng mạnh sau những đợt Halving với câu chuyện chính xoay quanh vấn đề nguồn cung bị cắt giảm. Cụ thể:
Có thể thấy giá BTC thường phản ứng tích cực với các sự kiện Bitcoin halving. Tuy nhiên, mẫu thử chỉ là 3 lần trong quá khứ không nói lên được tất cả. Yếu tố chính giúp lớp tài sản này tăng trưởng đến chủ yếu từ nhu cầu và góc nhìn của thị trường đối với Bitcoin.
Liệu giá BTC có tiếp tục tăng trưởng trong chu kỳ halving năm 2024?
Đọc thêm: Yếu tố có thể ảnh hưởng đến Bitcoin sau halving.
Sự kiện Bitcoin Halving không những tác động đến cung cầu của Bitcoin mà còn tác động đến các thợ đào. Để cân bằng chi phí và lợi nhuận, các thợ đào có thể thực hiện các giao dịch bán Bitcoin lớn khi cần thiết, hoặc chịu lỗ trong khoảng thời gian nhất định.
Về cơ bản, chi phí đào Bitcoin được cấu thành từ 2 yếu tố: Chi phí điện + Chi phí vận hành (chi phí nhân công, đầu tư và hao mòn máy đào). Với tỷ giá BTC hiện tại, có thể thấy thợ đào đang dần có lời so với chi phí vận hành. Tuy nhiên tỷ lệ lợi nhuận vẫn còn khá thấp nếu ta so sánh với những đỉnh chu kỳ trước. Sau sự kiện halving sắp tới, phần thưởng khối sẽ giảm một nửa khiến doanh thu của thợ đào tiếp tục giảm.
Theo phân tích từ bài viết cách xác định đáy và đỉnh Bitcoin với thợ đào, phần lớn thời gian các thợ đào sẽ lỗ. Thợ đào mới thường lỗ nhiều hơn khi đầu tư máy đào cũ lúc giá Bitcoin tăng, phần thưởng bị giảm sau Bitcoin Halving và hashrate tăng khiến chi phí điện tăng. Ngoài ra, việc thị trường đi vào downtrend cũng khiến nhiều thợ đào không có lãi và buộc phải rời bỏ hoạt động đào coin.
Việc rời bỏ thị trường của thợ đào đã tạo ra những lo ngại về việc duy trì sự ổn định của mạng lưới Bitcoin. Tuy nhiên chu kỳ halving giống như quá trình sàng lọc của mạng lưới Bitcoin khi loại bỏ những thợ đào yếu kém và giữ lại những thợ đào tối ưu được chi phí. Khi giá BTC tăng sẽ khiến mạng lưới thu hút thợ đào mới và quá trình sàng lọc lại tiếp tục diễn ra.
Với mục tiêu giúp Bitcoin không bị bỏ lại phía, các nhà phát triển đã thử nghiệm nhiều giải pháp khác nhau để mang làn gió mới tới mạng lưới này. Nổi bật nhất trong số đó là Bitcoin Layer 2, Ordinals và mới nhất là Runes Protocol.
Ordinals giúp khắc (inscribe) dữ liệu có kích thước không quá 4mb trên mỗi SATS. Dữ liệu ở đây có thể là hình ảnh, text/JSON/, thậm chí là game hay smart contract,... Dữ liệu được khắc sẽ trở thành một phần không thể tách rời của sats và được lưu trữ trực tiếp cũng như bảo mật bởi mạng lưới Bitcoin. Nhờ đặc tính này, Ordinals đã mở đường cho nhiều ứng dụng mới. Nổi bật nhất hiện tại là Bitcoin NFT và BRC-20.
*1 BTC = 100 triệu sats
Từ khi ra mắt vào tháng 01 năm 2023, đã có hơn 64.1 triệu dữ liệu được khắc trên các sats và tạo ra 6,434 BTC (~430 triệu USD) tiền phí. ORDI, token của team phát triển Ordinals theo đó cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Số giao dịch liên quan đến Ordinals đang chiếm tỷ trọng đáng kể trên mạng lưới Bitcoin. Tuy nhiên tỷ lệ trên có biến động lớn, có lúc chỉ vài % nhưng có lúc lên tới 30-40%. Chứng tỏ thị trường Ordinals hiện tại chưa ổn định và phần nào đó mang tính đầu cơ.
Trong chưa đầy một năm, hệ sinh thái Ordinals đã có bước tiến đáng kể với nhiều sản phẩm được ra mắt.
Những bộ sưu tập NFT hàng đầu trên Bitcoin hiện tại có giá trị vốn hoá lớn. Mỗi bộ sưu tập có những điểm đặc biệt riêng như Ordinal Maxi Biz, Bitcoin Frogs được khắc trên sats hiếm, NodeMonkes chạy node Bitcoin, Runestone được phát triển từ team Ordinals. Riêng Runestones đang vươn lên trở thành bộ sự tập NFT Collections có vốn hoá lớn thứ 2 đạt 540 triệu USD chỉ sau CryptoPunks.
Tìm hiểu thêm về Cơ hội đầu tư trên hệ sinh thái Bitcoin Ordinals.
Đang có thêm nhiều ứng dụng mới được phát triển trên Ordinals tiêu biểu là Runes Protocol. Runes Protocol được phát triển bởi team Ordinals mang tới chuẩn token mới cho Bitcoin Ordinals là ARC-20. Dự án hướng tới việc giải quyết những hạn chế của chuẩn BRC-20, giúp việc giao dịch diễn ra thuận tiện hơn ở góc độ người dùng.
Hiện tại những sàn tiên phong hỗ trợ Bitcoin Ordinals như Magic Eden, OKX đã thông báo hỗ trợ chuẩn token của Runes. Đã có những dự án ra mắt token áp dụng chuẩn mới này nhưng hầu hết chúng là meme coin.
Để thu hút thêm người dùng tới hệ sinh thái Runes, team Ordinals đã airdrop Runestone NFT cho những ai sở hũu hơn 3 ordinals. 112,383 Runestone Ordinals đã được airdrop. Sở hữu Runestone NFT sẽ giúp người dùng nhận được airdrop fungible token của Runes Protocol, dự kiến sẽ diễn ra vào thời điểm Bitcoin Halving (ngày 20 tháng 04).
Những dự án đầu tiên trong hệ sinh thái Runes cũng nhanh chóng làm theo Runes Protocol và thông báo sẽ airdrop cho những ai nắm giữ NFT Runestone. Điều này đã làm giá trị NFT tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Tìm hiểu về Hệ sinh thái Runes Protocol tại đây.
Bitcoin Layer 2 là những mạng lưới được xây dựng và phát triển ở trên blockchain Bitcoin, với mục đích tăng tính mở rộng, tốc độ giao dịch và giảm phí giao dịch cho mạng Bitcoin. Một vài giải pháp thuộc nhánh layer 2 sẽ có thêm khả năng tương tác smart contract giúp giải quyết những thiếu sót của mạng lưới Bitcoin.
Việc phát triển các layer 2 trên Bitcoin đang diễn ra rất tích cực. Lợi thế của Bitcoin nằm ở giá trị của mạng lưới và cộng đồng, điều này mang tới cơ hội thu hút giá trị lớn cho các dự án phát triển phía trên mạng lưới.
Các giải pháp Bitcoin Layer 2 gồm có:
Nhóm dự án Bitcoin Layer 2 đã xuất hiện những cái tên nổi bật dành được sự quan tâm từ cộng đồng như Merlin Chain hay SatoshiEVM. Tuy nhiên, nhóm dự án này tồn tại rủi ro liên quan tới tính phi tập trung ở cầu nối đối với Bitcoin. Bên cạnh đó, phần lớn các dự án Bitcoin Layer 2 hiện tại vẫn hoạt động như một blockchain Layer 1 độc lập, không thừa hưởng bất kỳ tính bảo mật nào đến từ Bitcoin. Có thể nói, phần lớn dự án vẫn sử dụng thuật ngữ "Bitcoin Layer 2" nhằm thu hút nhà đầu tư chứ không hoàn toàn đúng về mặt kỹ thuật.
Hiện tại, nhóm dự Bitcoin Layer 2 Rollup vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và phát triển với tiềm năng trở thành nhóm dự án Layer 2 đúng nghĩa. Nhóm dự án này được kỳ vọng sẽ đem tới khả năng mở rộng đồng thời tận dụng được khả năng bảo mật và phi tập trung từ Bitcoin base layer.
Đọc thêm: Các giải pháp đang được sử dụng để phát triển Bitcoin layer 2.
Với lợi thế là đồng coin lớn nhất thị trường và sở hữu cộng đồng đông đảo, BTC nói riêng và mạng lưới Bitcoin nói chung luôn là tâm điểm thu hút dòng tiền và sự chú ý.
Bitcoin không phải là mạng lưới nhanh nhất, nhiều đột phá nhất nhưng bất kỳ chuyển biến nào trên mạng lưới đều có ảnh hưởng lớn tới toàn bộ thị trường. Với sự chấp nhận rộng rãi của Bitcoin ETF, sự kiện halving sắp diễn ra và hàng loạt sản phẩm mới như Bitcoin Ordinals, Runes, Bitcoin Layer 2, đây sẽ là hệ sinh thái mà nhà đầu tư không nên bỏ qua.
Link nội dung: https://tree.edu.vn/bitcoin-truoc-ngay-halving-bitcoin-l2s-runes-ordinals-etfs-a13864.html