Là một trong hai tác phẩm đại diện cho Hàn Quốc tranh tài tại Liên hoan phim Cannes 2022, Người môi giới (tựa gốc: Broker) từng nhận tràng pháo tay dài tận 12 phút sau buổi công chiếu. Bộ phim cũng mang về cho tài tử Song Kang Ho giải Nam diễn viên xuất sắc nhất. Mang danh là phim Hàn nhưng Người môi giới thực chất được nhào nặn bởi một “quái kiệt” người Nhật - đạo diễn Kore-eda Hirokazu.
Người môi giới là một bộ phim nhẹ nhàng và đầy tính chiêm nghiệm
CJ
Thực tế, Kore-eda Hirokazu không phải là cái tên xa lạ với các giải thưởng điện ảnh quốc tế. Ông nhiều lần được tôn vinh như một trong những đạo diễn tài năng nhất của điện ảnh đương đại, là người châu Á hiếm hoi sở hữu Cành cọ vàng danh giá hồi 2018 cho phim Shoplifters. Đạo diễn 60 tuổi nổi danh với phong cách làm phim điềm tĩnh, tiết chế kịch tính và tập trung vào khoảng lặng nội tâm. Đề tài chủ đạo trong những bộ phim của ông là tình thân gia đình và những số phận bên lề xã hội.
Tái xuất với Người môi giới, Kore-eda Hirokazu vẫn trung thành với những giá trị mà ông theo đuổi xuyên suốt gần 30 năm làm nghề. Bộ phim mới nhất của nam đạo diễn được lấy cảm hứng trực tiếp từ những câu chuyện xoay quanh chiếc “hộp em bé” có thật tại Hàn Quốc. Đây là sáng kiến của mục sư Lee Jong Rak, cho phép những người mẹ lầm lỡ không đủ điều kiện nuôi con “gửi lại” đứa trẻ. Chúng sẽ được chăm sóc tạm thời rồi giao lại cho các cô nhi viện hoặc tìm người nhận nuôi.
Chuyện phim được lấy cảm hứng từ chiếc hộp em bé có thật tại Hàn Quốc
cj
Những con người "bị bỏ rơi" cùng nhau làm nên một gia đình đầm ấm
cj
Chiếc hộp em bé đã tạo nên những xung đột gay gắt về mặt đạo đức. Có luồng ý kiến cho rằng đó là một phát minh nhân đạo. Nhưng cũng có người phán xét cho rằng chiếc hộp chính là sự dung túng dành cho sự thiếu trách nhiệm của những người mẹ. Từ một chủ đề nhạy cảm, Kore-eda Hirokazu đã biến hóa nó thành một câu chuyện đầy ấm áp, thấm đẫm sự bao dung dành cho thân phận con người.
Câu chuyện phim mở ra khi người mẹ So Young (IU) bỏ lại đứa con sơ sinh Woo Sung trước chiếc hộp em bé. Những tưởng người mẹ trẻ đã một đi không trở lại như thường lệ, hai gã "người môi giới" là Sang Hyun (Song Kang Ho) và Dong Soo (Gang Dong Won) đã lén lút mang Woo Sung đi để tìm cho bé một gia đình mới khá giả, rồi thu tiền "cò" từ đó. Mọi việc trở nên rối rắm khi người mẹ quay về và phát giác sự việc. Họ thỏa hiệp và cùng bước lên cuộc hành trình kì lạ, cùng tìm kiếm gia đình tử tế để “bán” con. Theo sau là cảnh sát Soo Jin (Bae Doona) cùng cộng sự, họ đang chờ thời cơ để bắt quả tang vụ buôn người quái đản này.
IU trong vai người mẹ trẻ So Young
cj
Một cô gái điếm mang tội giết người nỗ lực giữ gìn sự sống cho con mình, một ông “cò” bị gia đình chối bỏ với món nợ trên vai, một gã “cò” khác đã thấm thía thế nào là phận trẻ mồ côi vô vọng, và một cậu bé mồ cô đã “quá lứa” được nhận nuôi. Mỗi một nhân vật trong phim, đều là thân phận bị bỏ rơi, theo một cách nào đó. Và họ không ngừng hoài nghi về sự tồn tại của mình trên cuộc đời này. Kore-eda Hirokazu đặt họ vào một chuyến xe đường dài, cho họ va chạm, rồi cố kết những mối quan hệ, tự cùng nhau chữa lành những đau thương. Họ che chở, vá víu cho nhau, rồi theo thời gian, những con người không ruột rà, máu thịt ấy lại mang dáng dấp của một gia đình rõ ràng hơn bao giờ hết.
Nhịp phim chậm rãi, cách kể chuyện trung dung đã trao cho người xem đặc quyền được từ tốn tiếp cận và thấu hiểu từng nhân vật. Để rồi tất cả đều trở nên thành thật, từ nhân vật, đạo diễn cho đến chính khán giả. Đạo diễn Kore-eda Hirokazu quá điêu luyện trong việc “tắt”, “bật” cảm xúc nơi người xem. Như cách mà ông chọn tắt hết đèn trong căn phòng khách sạn, để từng người trong gia đình tạm bợ ấy được bộc bạch những gì sâu kín nhất trong lòng mình. Cũng là lần đầu người mẹ trẻ So Young cất lên câu: “Cảm ơn vì đã được sinh ra” với con trai cô và tất cả những thành viên còn lại. Giây phút đó, có một điều gì đó thật tươi sáng, ủi an, đã được “bật” lên trong lòng người xem, về ý nghĩa của sự sống.
Người môi giới là câu chuyện được cài cắm chằng chịt những tổn thương, tội lỗi và dằn xé đạo đức. Nhưng bằng tài năng kể chuyện cực ý nhị của mình, Kore-eda Hirokazu đã có cách lý giải thật nhẹ nhàng và thuyết phục cho những hành động và suy nghĩ tưởng chừng khó lòng cảm thông. Như bao lần, ông không hạch sách hay thao túng hệ thống nhân vật của mình nhằm kiến tạo nên kịch tính, “drama” và cú “twist” cho câu chuyện. Ngược lại, vị đạo diễn kì cựu kiên nhẫn bóc tách từng nhân vật một, bình tĩnh “phơi” ra những chi tiết hết sức nhỏ nhặt nhưng lại có khả năng cứa sâu vào tâm khảm người xem.
Những niềm hạnh phúc giản đơn, chân giá trị của gia đình được thể hiện đầy xúc động trong phim
cj
Song Kang Ho "ẵm" giải Nam chính xuất sắc nhất Liên hoan phim Cannes 2022 nhờ lối diễn chân thành, mộc mạc
cj
Với Người môi giới, lần nữa, Kore-eda Hirokazu lại cho thấy tài năng của mình trong việc làm việc với các diễn viên nhí. Hầu hết những bộ phim của Kore-eda Hirokazu đều có sự xuất hiện của trẻ em. Từ em bé sơ sinh cho đến những cô cậu nhóc tuổi ăn, tuổi lớn đều xuất hiện trên phim với sự đáng yêu khó cưỡng. Chúng tự nhiên, trong trẻo và diễn như không diễn. Nhờ vậy, bộ phim luôn tươi sáng, tràn đầy hy vọng dưới lăng kính trẻ thơ.
Bằng cách vận dụng hiệu quả những khung hình tĩnh, đặt con người lên trên khung nền thiên nhiên an lành, Người môi giới đã nhẹ nhàng đưa khán giả đi vào miền chiêm nghiệm nhân sinh. Điện ảnh của Kore-eda Hirokazu là thứ điện ảnh không nên được bóc tách, lý giải theo thuyết nhị phân. Không có trắng, đen và đúng, sai. Chủ đích làm phim của vị đạo diễn này chưa bao giờ sa đà vào sự tôn vinh hay phán xét. Có một sự bình đẳng lạ lùng trong toàn bộ hệ thống nhân vật của ông. Chỉ có cảm xúc dẫn đường, và câu chuyện sẽ luôn khép lại theo hướng để mở.
Phim gợi lên nhiều vấn đề nhức nhối về đạo đức nhưng vẫn nhẹ nhàng và mang tính chữa lành
cj
Trong phim của Kore-eda Hirokazu không có nhân vật xấu, và Người môi giới cũng vậy. Họ có thể giết người, trộm cắp, nợ nần, lươn lẹo… nhưng đạo diễn người Nhật không bao giờ nhìn nhận chúng như bản chất duy nhất của nhân vật. Ông luôn đi tìm cách lý giải những gì ở đằng sau. So Young, Sang Huyn hay Dong Soo sau cuối vẫn phải trả giá cho lầm lỗi của mình. Nhưng cuối con đường, luôn có một lối ra để bắt đầu lại. Bởi hơn hết, Kore-eda Hirokazu có niềm tin mãnh liệt vào sự tốt lên của người.
Kore-eda Hirokazu đã quá điêu luyện trong việc sử dụng những câu chuyện cá biệt để liên đới đến cái phổ quát, mà rộng nhất ở đây chính là thân phận con người. Để khi thành hình, bộ phim như một mặt hồ tĩnh lặng, mà sự bừng ngộ, lại đến từ bên trong. Có lẽ đó cũng là lí do mà ông được giới chuyên môn đánh giá là hậu duệ, người kế thừa của “bậc thiền sư” điện ảnh Ozu Yasujiro.
Dù là phim Hàn nhưng dưới bàn tay chỉ đạo của Kore-eda Hirokazu, Người môi giới vẫn mang tinh thần của điện ảnh Nhật Bản
cj
Người môi giới, nhìn chung vẫn rất đậm đà bản sắc của Kore-eda Hirokazu. Tuy nhiên, với những khán giả đã yêu mến và xem qua nhiều tác phẩm của vị đạo diễn này sẽ khó lòng tránh khỏi cảm giác “lệch tông”. Bởi sự trầm mặc, lối kể chuyện khiêm nhường và mộc của Kore-eda Hirokazu lắm lúc không phù hợp khi đặt vào bối cảnh xã hội nhộn nhịp và căn tính con người Hàn Quốc. Song, Gang Dong Won và IU diễn khá tròn vai, nhưng họ quá đẹp, hoàn hảo kiểu “ngôi sao” nên nhân vật thiếu đi phong thái thô ráp, đời thường.
Đạo diễn Kore-eda Hirokazu (bên phải ngoài cùng) và các diễn viên của Người môi giới tại Liên hoan phim Cannes
getty
Có thể nói, Người môi giới không phải là bộ phim tốt nhất của ông, so với những Shoplifters, Still walking, Like father like son hay Nobody knows… Tuy nhiên, đây vẫn là một bộ phim sâu sắc và mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Phim rất chậm rãi và hoàn toàn không có kịch tính, có thể sẽ không phù hợp với đối tượng khán giả đến rạp với mục đích giải trí. Người môi giới là bộ phim cần sự kiên nhẫn để đón nhận, một phong vị lạ, phép thử cho khán giả đại chúng Việt Nam vốn hiếm có cơ hội tiếp cận điện ảnh Nhật Bản.
Người môi giới hiện đang được công chiếu rộng rãi tại Việt Nam.
Link nội dung: https://tree.edu.vn/nguoi-moi-gioi-khoang-lang-dep-de-chiem-nghiem-ve-tinh-nguoi-a13315.html