Bài viết trên trang FxEmpire nhận định, bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại đang gây ra một “cơn bão giá” trên thị trường vàng thế giới và mặt hàng kim loại quý này có thể chứng kiến tăng mạnh nhất kể từ năm 1990.
Giá vàng tiếp tục bùng nổ
Khi giá vàng thế giới liên tục xác lập kỷ lục mới trong quý cuối cùng của năm ngoái và trong tuần đầu tiên của tháng 3 này, các nhà phân tích tại GSC Commodity Intelligence gọi đây là khởi đầu “kỷ nguyên mới” của vàng.
Theo GSC Commodity Intelligence, vàng không chỉ đạt mức cao mới trong năm 2024 mà còn thực sự bùng nổ, điều này cho thấy khả năng giá vàng sẽ chỉ đi theo một hướng từ thời điểm này: đó là giá ngày càng cao hơn.
Từ tháng 10/2023, giá vàng đã tăng liên tiếp từ mức gần 1.800 USD/ounce lên nhiều mốc cao nhất mọi thời đại trong tháng 3/2024.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng nhảy vọt lên tới 2.200 USD/ounce, vượt qua mốc kỷ lục vừa ghi nhận một ngày trước đó là 2.159 USD/ounce. Với mức giá này, giá vàng đã tăng vọt 21% chỉ trong vòng 5 tháng.
Câu hỏi lớn đặt ra là giá vàng sẽ tăng cao tới mức nào trong năm 2024, theo trang FxEmpire.
Trang tin này chỉ ra, trong nhiều tháng, vàng được giao dịch quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce. Đây là mức giá cao so với cách đây nhiều năm, đồng thời cũng là ngưỡng mà biểu đồ giá vàng bắt đầu có nhiều diễn biến đáng chú ý.
Tốc độ giá vàng tăng từ mức thấp nhất năm 2022 là 1.600 USD/ounce lên mức cao kỷ lục hiện tại gần 2.200 USD/ounce là tốc độ chưa từng có.
Theo các nhà phân tích tại GSC Commodity Intelligence, mức tăng hơn 60% của giá vàng trong vòng 18 tháng cho thấy "thị trường kim loại quý bắt đầu bước vào kỷ nguyên tăng giá mới".
Một trong những động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục cả năm ngoái và những tháng đầu năm nay là cơn sốt vàng mới nhất ở Trung Quốc.
Theo dữ liệu của GSC Commodity Intelligence, các nhà đầu tư Trung Quốc, các hộ gia đình và ngân hàng “đổ xô” mua vàng với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để phòng ngừa bất ổn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc hiện được coi là trụ cột chính của thị trường vàng, với giá vàng dự kiến được giữ ổn định trên 2.000 USD/ounce trong tương lai gần.
Về dự báo giá vàng trong thời gian tới, trong bài viết "Liệu giá vàng có đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3", tác giả Phil Carr của FxEmpire nhận định, kịch bản rất đáng tin cậy là giá vàng sẽ đạt mốc 3.000 USD/ounce sớm hơn rất nhiều so với dự đoán của bất kỳ chuyên gia nào.
Lý do để đưa ra mức dự báo trên là sự kết hợp cơn sốt vàng của Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 cùng với những dấu hiệu cho thấy, các ngân hàng trung ương có thể bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6.
Yếu tố nào sẽ tác động đến giá vàng trong năm 2024?
Bất ổn địa chính trị leo thang đang khiến vàng tăng giá. Do các sự kiện địa chính trị trong năm 2022, tài sản được định giá bằng đồng USD trở nên rủi ro hơn đối với nhiều quốc gia.
Do đó, các ngân hàng trung ương ở khu vực Nam Bán cầu, Đông Âu và Trung Đông đã đẩy mạnh mua vàng dự trữ kể từ cuối năm 2022.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua 800 tấn vàng trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương tăng cao đã đẩy giá vàng tăng 10% trong năm ngoái.
Chuyên gia thị trường tài chính Kar Yong Ang tại công ty môi giới ngoại hối Octa, nhận định: “Việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng tốc mua vàng sẽ là động lực tăng trưởng chính của mặt hàng kim loại quý trong năm 2024”.
Theo chuyên gia Ang, nếu xu hướng này tiếp tục và tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối tiến tới mức trung bình 40%, giá trị vàng dự trữ sẽ tăng thêm 3.200 tỷ USD - mức tăng tương đương 25% vào năm 2025, tương ứng với mức giá 2.500 USD/ounce.
Bất kỳ biến động về địa chính trị nào cũng đều tác động lớn đến giá vàng. Vàng cũng ghi nhận một đợt tăng giá khác kể từ khi bùng phát xung đột Israel-Hamas. Tính từ tháng 10/2023, giá vàng đã tăng hơn 8%.
Sự ổn định của lạm phát sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong năm nay. Năm 2022, lạm phát toàn cầu chạm mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, mức lạm phát đã chạm đỉnh từ cuối năm 2023. Phần lớn các chuyên gia kinh tế nhận định rằng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024.
Chuyên gia Kar Yong Ang lưu ý thêm: “Theo truyền thống, giá vàng có mối tương quan nghịch với tỷ lệ lạm phát. Lạm phát càng thấp thì lãi suất trái phiếu chính phủ càng thấp. Kết quả là sức hấp dẫn tương đối của các tài sản không sinh lãi như vàng càng tăng”.
Bên cạnh đó, các nước đang phát triển cũng đẩy mạnh quá trình phi đô la hóa. Trong bối cảnh đó, giới đầu tư xem vàng là kênh trú ẩn an toàn trước các rủi ro về lạm phát và tiền tệ. Nhu cầu về vàng ngày càng tăng do Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (thành viên của BRICS) đang cân nhắc triển vọng về loại tiền tệ chung.
Sự kết hợp của những yếu tố này sẽ tạo điều kiện để giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024. Giới chuyên gia ước tính trong nửa đầu năm, giá vàng có thể vượt ngưỡng 2.200 USD/ounce. Trong nửa cuối năm nay, xu hướng tăng giá của vàng có thể sẽ tiếp tục và vàng có thể đạt mức 2.300 USD/ounce. Giá trung bình của năm 2024 dự kiến đạt 2.170 USD/ounce.
Link nội dung: https://tree.edu.vn/gia-vang-se-tang-cao-toi-muc-nao-trong-nam-2024-a13164.html