Ngoài kinh doanh vàng, các tiệm vàng đều thu đổi ngoại tệ (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Đổi bao nhiêu cũng có!
Trong vai khách hàng, chúng tôi đến tiệm vàng L. ở trung tâm TP Huế hỏi mua USD, chị chủ tiệm xởi lởi: “Em muốn mua mấy ngàn? Bao nhiêu chị cũng có!” Khi chúng tôi hỏi giá chênh lệch giữa mua và bán, chị nhanh nhảu: “Em bán thì chị mua 2,240 triệu đồng/100 USD, còn mua thì chị bán 2,280 triệu đồng đồng/100 USD… Đang lưỡng lự, đúng lúc có khách hàng tới bán khoảng 2.000 USD, nhanh thoăn thoắt, sau khi đếm xong, chị chủ tiệm lôi trong hộc tủ ra một xấp tiền mệnh giá 500 ngàn đồng trả cho khách, cộng với ít tiền lẻ. Chỉ chưa đầy 5 phút, việc mua bán thực hiện xong.
Trên địa bàn hiện có 16 đại lý được cấp phép thu đổi ngoại tệ. Tất cả những cơ sở này đều là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và chủ yếu là kinh doanh khách sạn; chỉ có 1 đơn vị khác ngành nghề là Nhà ga Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài. Các cơ sở không đủ điều kiện, nếu phát hiện bắt quả tang thu đổi ngoại tệ trái phép, ngoài tịch thu toàn bộ ngoại tệ còn bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng.
Tương tự, chỉ trong thời gian khoảng 20 phút đóng vai người mua USD, chúng tôi chứng kiến tại tiệm vàng L., có 3 khách hàng đến đổi USD và chủ yếu là đổi sang tiền Việt Nam đồng. Hầu như không có khách hàng hỏi mua USD, ngoại trừ chúng tôi. Khi chúng tôi thắc mắc về việc ít người mua USD, người bán giải thích do lãi suất ngân hàng thấp.
Cũng với vai khách hàng, chúng tôi đến vài tiệm vàng khác ở chợ Đông Ba, không khó để mua, bán ngoại tệ. Kể cả những ngoại tệ ít thông dụng như đồng bạt của Thái Lan, yên Nhật Bản, đô-la Úc… cũng có thể mua bán, trao đổi ở bất cứ tiệm vàng nào.
So với tỷ giá USD ở các ngân hàng, mức chênh lệnh thu đổi ngoại tệ ở thị trường tự do cao hơn khoảng 10 ngàn đồng/100 USD. Riêng chênh lệch giữa mua và bán, cứ mỗi một trăm USD, chủ tiệm vàng lãi 40 ngàn đồng. Nếu tính lãi cả tháng, số tiền này không phải là ít, khi mỗi ngày có khá nhiều giao dịch được thực hiện.
Tìm hiểu vì sao khách hàng không vào ngân hàng để đổi ngoại tệ, thì được biết, có ngân hàng thuận lợi, nhưng cũng có ngân hàng gây khó khăn. Tại ngân hàng M, khi hỏi đổi đô-la sang Việt Nam đồng, nhân viên ngân hàng này truy hỏi nguồn gốc, giấy tờ liên quan... một cách nhiêu khê.
Tiếp xúc với một khách hàng đang đổi USD sang Việt Nam đồng, được biết, chị quê ở Thuận An nhưng hiện đang sinh sống tại Huế. Cả bố, mẹ anh chị em định cư ở Mỹ, hàng tháng đều gửi USD về để chồng chị lo cúng kỵ, chạp, hương khói nhà thờ. Lúc nào nhận được tiền chị cũng mang ra tiệm vàng đổi. Hỏi sao không đổi ở ngân hàng luôn, thì chị cười giải thích, do thói quen. Khi chúng tôi đề cập đến việc nếu bị phát hiện bắt quả tang đang mua bán, thu đổi ngoại tệ ở các tiệm vàng, ngoài bị tịch thu, cả người mua và người bán đều xử phạt, thì chị lắc đầu không biết về quy định đó.
Có quy định, không xử phạt cũng như không!
Việc mua bán, thu đổi ngoại tệ diễn ra công khai hàng ngày, hàng giờ ở các tiệm vàng là điều mà bất kỳ ai đến mua bán vàng đều có thể thấy. Thậm chí chỉ cần đi qua cũng bắt gặp. Điều đáng nói là, hoạt động này không được phép, bởi tất cả những tiệm vàng trên địa bàn đều không được cấp phép thu đổi ngoại tệ, song việc kiểm tra xử phạt hầu như ít được triển khai.
Nói về vấn đề này, lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc cho hay, cách đây vài năm, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở và bắt quả tang hành vi giao dịch trái quy định. Cả chủ tiệm vàng và người mua bán cũng đã bị xử phạt, tịch thu ngoại tệ.
Khi chúng tôi hỏi tại sao không triển khai thường xuyên thì câu trả lời là việc thành lập đoàn liên ngành không phải dễ. Thanh tra ngành ngân hàng chỉ xử phạt vi phạm dưới 50 triệu đồng, trên 50 triệu đồng phải chuyển cơ quan có thẩm quyền cao hơn. Việc kiểm tra hoạt động thu đổi ngoại tệ chủ yếu vẫn là ở các cơ sở, đại lý được cấp phép, còn những nơi chưa được cấp phép vẫn chưa được quan tâm.
Nhà nước đã ban hành các văn bản liên quan để xử phạt hành vi mua bán ngoại tệ trái phép, nhằm thực hiện chủ trương đô-la hóa. Việc thu đổi ngoại tệ nhằm mục đích phục vụ giao dịch đối với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xuất nhập khẩu. Với cá nhân, chỉ được phép đổi USD khi có đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh việc xuất cảnh ra nước ngoài phục vụ mục đích học tập, du lịch, chữa bệnh… Do đó, với các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép, cần được kiểm tra, xử phạt thường xuyên.
Riêng hành vi gây khó khăn cho người có nhu cầu đổi USD sang Việt Nam đồng, theo ông Lê Việt Sỹ, nếu kiểm tra phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm, bởi các văn bản của Nhà nước người dân được phép đổi từ USD sang Việt Nam đồng ở bất kỳ ngân hàng và đại lý thu đổi ngoại tệ nào mà không cần phải chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chưa nhận thông tin phản ánh của khách hàng về việc nhân viên ngân hàng gây khó cho người dân khi đổi ngoại tệ nên việc kiểm tra, xử lý chưa có cơ sở.
Link nội dung: https://tree.edu.vn/doi-do-tiem-vang-nao-cung-co-a12333.html