Những gì đang diễn ra trong thời điểm hiện tại khiến nhiều người nhớ lại sự sụp đổ của thị trường nhà đất ở Mỹ năm 2006 và cuộc khủng hảng tài chính năm sau đó đã khiến kinh tế Mỹ và toàn thế giới rơi vào khó khăn.
Nhìn ngược lại, các cuộc khủng hoảng xảy ra khá phổ biến trong lịch sử. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầu tiên xảy ra vào Thế kỷ I, cụ thể năm thứ 33 sau Công nguyên, được biết đến là cuộc khủng hoảng kinh tế Đế Quốc La Mã.
Tiếp theo đó là các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khác như: Khủng hoảng Đế quốc thế kỷ III, năm 235-284 sau Công nguyên; Khủng hoảng châu Âu (Thế kỷ XIV); Hội chứng hoa Tulip (Thế kỷ XVII); Bong bóng của Công ty Nam Dương và Khủng hoảng tín dụng 1772 (Thế kỷ XVIII); Cuộc suy thoái kéo dài 1873-1869 (Thế kỷ XIX); Đại suy thoái 1929-1939 (Thế kỷ XX),…
Và tất nhiên, mỗi khi khủng hoảng xảy ra, nó thường gây ra những “cơn sóng thần” tới các nền kinh tế bị ảnh hưởng. Dưới đây là tóm tắt ngắn gọn về các cuộc khủng hoảng tài chính tàn khốc nhất trong lịch sử loài người.
Khủng hoảng Hoa Tulip tại Hà Lan - Thế kỷ XVII
Hội chứng hoa Tulip xuất hiện tại Hà Lan vào khoảng giữa thế kỷ XVII, được xem là bong bóng kinh tế đầu tiên trong lịch sử thế giới. Vào thời điểm những năm 1636-1637, cơn sốt hoa Tulip bắt đầu trở nên bùng nổ. Hàng nghìn người đổ xô đi mua hoa Tulip khiến giá bán hoa trên thị trường tăng chóng mặt, thậm chí có người còn phải bán cả nhà để mua được chúng.
Có thời điểm, một củ Tulip hiếm được bán với giá 750.000 USD theo giá trị hiện nay, ước tính gấp 6 lần thu nhập hàng năm của một người bình thường.
Hội chứng hoa tulip tại Hà Lan vào thế kỷ XVII
Tuy nhiên, thị trường hoa Tulip bất ngờ sụp đổ vào tháng 2/1637 chỉ vì một tin đồn về dịch bệnh phát tán từ loài hoa này. Nhà đầu tư bán tháo hoa Tulip trong cơn hoảng loạn khiến giá giảm mạnh xuống còn 1% giá trị lúc trước.
Hậu quả là chỉ trong chốc lát, tài sản của nhiều người bốc hơi và lợi nhuận ảo trên giấy tờ bị xóa sạch. Hàng loạt các hãng kinh doanh hoa Tulip tuyên bố phá sản trên khắp Hà Lan. Kinh tế Hà Lan trở nên suy sụp trong giai đoạn này do cuộc khủng hoảng tài chính của hoa Tulip.
Cơn sốt lan đột biến tại Việt Nam trong thời gian gần đây cũng khiến nhiều người liên tưởng đến “bong bóng hoa tulip”. Ngay tại thời điểm khi đại dịch nổ ra năm 2020, thị trường lan đột biến cũng xuất hiện nhiều giao dịch “khủng” với quy mô hàng tỷ đồng.
Cuộc khủng hoảng tín dụng 1772
Trong những năm 1760 và 1770, Vương quốc Anh trở nên vô cùng thịnh vượng nhờ vào các thành tựu trong thương mại và hệ thống thuộc địa rộng lớn. Điều này tạo ra một làn sóng lạc quan quá mức, dẫn đến việc các ngân hàng Anh “mát tay” trong việc cho vay tín dụng.
Tuy nhiên, vào tháng 6/1772, một trong những đối tác lớn của ngân hàng James, Fordyce, Neal và Down là Alexander Fordyce đã chạy sang Pháp để trốn nợ.
Sự việc này đã tạo nên sự hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng của Anh thời kỳ đó. Các chủ nợ nhanh chóng rút tiền khỏi ngân hàng, tạo nên một cuộc khủng hoảng tín dụng. Sau đó, cuộc khủng hoảng này nhanh chóng lan sang Scotland, Hà Lan, nhiều vùng ở Châu Âu và các thuộc địa của Anh tại Châu Mỹ.
Đại suy thoái 1929-1939
Cuộc suy thoái kéo dài gần 1 thập niên khiến 1/4 người dân Mỹ bị thất nghiệp. Đây được xem là cuôc khủng hoảng tài chính kinh tế tồi tệ nhất của thế kỷ XX. Nó không chỉ tàn phá nền kinh tế Mỹ mà còn tác động đến kinh tế toàn thế giới.
Công nhân thất nghiệp sắp hàng dài chờ trợ cấp thực phẩm 1928
Hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nguyên nhân của đại suy thoái. Nhiều người cho rằng thảm họa này xuất phát từ sự sụp đổ thị trường chứng khoán Phố Wall năm 1929 và quyết định sai lầm của Chính phủ Mỹ.
Khủng hoảng giá dầu OPEC 1973
Khủng hoảng nổ ra khi các quốc gia thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tuyên bố cấm vận dầu mỏ, ngừng xuất khẩu dầu cho Mỹ cũng như các nước đồng minh để trả đũa nước Mỹ vì hỗ trợ vũ trang cho Israel trong thời kỳ chiến tranh lần thứ tư giữa Arab và Israel.
Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt lượng lớn dầu và giá dầu tăng đột biến, dẫn đến khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và nhiều nước phát triển khác.
Ngày 17/10/1973, OPEC tuyên bố cấm vận dầu mỏ
Điều độc đáo về cuộc khủng hoảng sau đó là sự xuất hiện “đúng thời điểm” của lạm phát cực cao (nguyên nhân là do sự tăng vọt của giá năng lượng) và sự đình trệ kinh tế (do khủng hoảng kinh tế).
Do đó, các nhà kinh tế đã đặt tên cho kỷ nguyên là thời kỳ “stagflation” - đình lạm, (thuật ngữ chỉ sự trì trệ kết hợp với lạm phát), và phải mất vài năm để sản lượng phục hồi và tỷ lệ lạm phát giảm xuống mức trước đó. Tình trạng đình lạm này cũng đang trở thành nỗi lo của nền kinh tế thế giới trong thời điểm hiện tại.
Khủng hoảng châu Á 1997
Khủng hoảng Châu Á năm 1997 bắt đầu từ Thái Lan và lan rộng sang các nước Đông Á. Tháng 7/1997, Chính phủ Thái Lan xóa bỏ tỷ giá hối đoái cố định với đồng USD. Hành động này đã khiến đồng Baht Thái liên tục sụt giá và mất 40% giá trị chỉ trong vòng 1 năm.
Điều này đã khơi nguồn cho làn sóng hoảng loạn trên khắp thị trường tài chính châu Á. Dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ đổ vào các nước Đông Á thời điểm đó ồ ạt rút khỏi thị trường.
Các công ty Thái vay bằng đồng USD nhanh chóng phá sản, thị trường chứng khoán giảm 72 % giá trị. Finance One công ty tài chính lớn nhất Thái Lan cũng phá sản. Ảnh hưởng từ sự kiện này không chỉ lan rộng sang các nước Đông Á, gây ra tình trạng bất ổn chính trị trong khu vực mà còn góp phần dẫn đến khủng hoảng tài chính Nga và khủng hoảng tài chính Brazil.
Khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây nhất xuất phát từ sự đổ vỡ bong bóng nhà đất tại Mỹ. Thời điểm đó, các ngân hàng Mỹ cho với thế chấp mua nhà với lãi suất cao đối với những đối tượng có rủi ro về khả năng trả nợ.
Điều này đã kéo theo một loạt các sự kiện như tình trạng nợ tín dụng gia tăng, giá nhà đất chạm đáy, thị trường chứng khoán sụp đổ, hệ thống ngân hàng lao đao, thất nghiệp tăng cao. Đỉnh điểm là ngân hàng Lehman Brothers một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới đệ đơn phá sản vào năm 2008.
Lehman Brothers tuyên bố phá sản
Cuộc khủng hoảng nhanh chóng lan sang các quốc gia khác, tàn phá thị trường tài chính thế giới và gây ra thảm họa tài chính lớn nhất kể từ Đại suy thoái 1929. Và cái giá phải trả cho cuộc khủng hoảng năm 2008 là 10.000 tỷ USD bị cuốn trôi, 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo.
Nỗi lo về chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm
Chu kỳ kinh tế (Economic Cycle) hay Chu kỳ kinh doanh (Bussiness Cycle) là thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái biến động của nền kinh tế thị trường từ các giai đoạn mở rộng cho đến suy thoái và có tính chu kỳ.
Quá trình biến động của chu kỳ kinh tế về cơ bản có thể chia ra làm 3 giai đoạn: Suy thoái, phục hồi và hưng thịnh. Cụ thể:
Suy thoái: Là pha thu hẹp của nền kinh tế, sản lượng thực tế rời từ đỉnh xuống dưới sản lượng tiềm năng và tiến tới đáy của chu kỳ.
Phục hồi: Là pha mở rộng, tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Trong đó sản lượng thực tế từ vị trí đáy của chu kỳ tăng trở lại mức sản lượng tiềm năng và tiến tới đỉnh mới của chu kỳ.
Hưng thịnh: Đây là giai đoạn đạt đỉnh của chu kỳ kinh tế. Sản lượng thực tế, năng suất, công ăn việc làm, hoạt động tiêu dùng, sản xuất của nền kinh tế đạt đến mức cực đại.
Nền kinh tế đang ở đỉnh cao của nó, trước khi bắt đầu một pha suy thoái mới thể hiện bởi điểm ngoặt từ pha hưng thịnh sang pha suy thoái, và được gọi là đỉnh của một chu kỳ kinh tế.
Nếu nhìn lại các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã xảy ra như cuộc khủng hoảng vào năm 1930, hay gần đây là khủng hoảng châu Á 1997, sự sụp đổ của các công ty dot-com cuối thế kỷ XX hay khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008 có thể thấy rằng thời gian xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng ngắn lại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cứ mỗi 10 năm, kinh tế thế giới sẽ có chiều hướng biến động tiêu cực một lần, hay tệ hơn nữa là trở thành một cuộc khủng hoảng.
Hay chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta sống ở một nơi mà cứ 3 năm lại suy thoái kinh tế một lần? Viễn cảnh không tưởng này thực chất từng tồn tại trong thập niên 1970-1980 ở Mỹ, một trong những giai đoạn tồi tệ nhất của lịch sử kinh tế Mỹ.
Trong vòng 13 năm đen tối, 4 cuộc suy thoái đã diễn ra (1969-1970, 1973-1975, 1980, 1981-1982), lạm phát và thất nghiệp cao ngất ngưởng, cả doanh nghiệp, chính phủ và người dân đều lâm vào cảnh khốn đốn.
Ngay ở thời điểm hiện tại, từ những tháng cuối 2022 đầu 2023, nhiều tổ chức uy tín đều dự báo kinh tế thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với những cơn gió nghịch. Rủi ro lớn nhất vẫn là xung đột giữa Nga - Ukraine và hoạt động kinh tế chậm lại do thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát.
Những biến động từ địa chính trị, dịch bệnh,… đã làm cho nền kinh tế thế giới nói chung bị chao đảo, khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ xuất hiện một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.
Bên cạnh đó, sự phát triển trong công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo AI,… sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho loài người, song cũng là nguyên nhân gây ra những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Và chắc chắn một điều, khi đã xảy ra, quy mô cuộc khủng hoảng chỉ có thể lớn hơn chứ không giảm đi và sẽ chỉ chấm dứt khi mâu thuẫn được giải quyết.
Chẳng hạn những mâu thuẫn gây ra cuộc Đại suy thoái 1929-1939 kéo dài dai dẳng, là nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến tranh kết thúc thì đã đưa thế giới đến một trật tự cân bằng mới.
Mặc dù khủng hoảng kinh tế có thể giới hạn ở phạm vi quốc gia hay một khu vực, song với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, khủng hoảng rất dễ lan rộng ra phạm vi toàn cầu.
Vậy, doanh nghiệp cần làm gì khi chu kỳ khủng hoảng kinh tế ngày càng ngắn lại với các biến số ngày càng khó lường?
Tần suất khủng hoảng kinh tế ngày càng cao, doanh nghiệp cần làm gì?