Định giá là gì? 05 điều cần biết về định giá

Định giá là gì? 05 điều cần biết về định giá

Định giá là gì? 05 điều cần biết về định giá

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Định giá là gì?

Theo khoản 5 Điều 4 Luật Giá 2012 thì định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ.

2. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo Điều 19 Luật Giá 2012 (sửa đổi tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014) như sau:

* Nhà nước định giá đối với:

- Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh;

- Tài nguyên quan trọng;

- Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

- Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

* Các hình thức định giá:

- Mức giá cụ thể;

- Khung giá;

- Mức giá tối đa, mức giá tối thiểu.

* Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định như sau:

- Định mức giá cụ thể đối với:

+ Các dịch vụ hàng không, bao gồm: dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; phục vụ hành khách; bảo đảm an ninh hàng không và dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

+ Dịch vụ kết nối viễn thông;

+ Điện: giá truyền tải điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện;

- Định khung giá đối với: giá phát điện; giá bán buôn điện; mức giá bán lẻ điện bình quân; giá dịch vụ hàng không khác; giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay.

- Định khung giá và mức giá cụ thể đối với:

+ Đất, mặt nước, nước ngầm, rừng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và nước sạch sinh hoạt;

+ Giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ được xây dựng chi từ nguồn ngân sách nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

+ Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước;

+ Tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ;

- Định giá tối đa hoặc giá tối thiểu đối với:

+ Hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh; sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trừ dịch vụ được quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

+ Sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước;

+ Giá cho thuê đối với tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng.

* Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

3. Nguyên tắc định giá của Nhà nước

Nguyên tắc định giá của Nhà nước theo Điều 20 Luật Giá 2012 (sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020) như sau:

- Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

- Kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi, riêng giá sản phẩm, dịch vụ công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được điều chỉnh theo từng thời kỳ quy định tại hợp đồng dự án.

4. Căn cứ, phương pháp định giá

Căn cứ, phương pháp định giá theo Điều 21 Luật Giá 2012 như sau:

- Căn cứ định giá:

+ Giá thành toàn bộ, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá; mức lợi nhuận dự kiến;

+ Quan hệ cung cầu của hàng hóa, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng;

+ Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá;

- Phương pháp định giá:

+ Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ;

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình.

5. Thẩm quyền và trách nhiệm định giá

Theo Điều 22 Luật Giá 2012 (sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) quy định về thẩm quyền và trách nhiệm định giá như sau:

- Chính phủ quy định:

+ Khung giá đất;

+ Khung giá cho thuê mặt nước;

+ Khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ.

+ Khung giá và mức giá tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

- Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

- Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 19 Luật Giá 2012 theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ.

- Cơ quan, cá nhân quyết định định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật.

Quốc Đạt

Link nội dung: https://tree.edu.vn/index.php/dinh-gia-la-gi-05-dieu-can-biet-ve-dinh-gia-a15915.html