Chiều 16/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chuỗi 3 hội thảo chuyên đề, với các chủ đề: “Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững”; “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị”; “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị”.
Sự kiện nhằm tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Nghị quyết số 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ với các nhóm hành động thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TƯ và hướng tới tổ chức hội nghị đô thị toàn quốc 2022.
Đô thị Việt Nam phát triển mạnh mẽ, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: TNTheo Kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với những thành tựu chung về kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.
Tỷ lệ đô thị hóa đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được cải thiện. Hệ thống cơ chế chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.
Kinh tế khu vực đô thị liên tục tăng trưởng ở mức cao, trung bình từ 12 - 15%, gấp 1,5 đến 2 lần so với bình quân chung, hằng năm đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Một số đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, nhất là những trung tâm về khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đô thị cũng đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.Đô thị hóa đúng hướng là một nhiệm vụ quan trọng giúp quốc gia, đô thị phát triển bền vững hơn. Quy hoạch đô thị chính là nền tảng để định hướng thúc đẩy quá trình đô thị hóa phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái. Quản lý phát triển đô thị cần phải song hành cùng quy hoạch đô thị để quản lý các vấn đề của đô thị, phát huy lợi thế của đô thị hóa và hạn chế tối đa những bất cập. Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, có tính đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.
Mặc dù đã có phát triển mạnh mẽ, song đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển.
KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỷ lệ đô thị còn thấp. Phát triển đô thị còn dàn trải, gây lãng phí về đất đai. Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều.
Đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Ảnh: TNViệc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Phát triển đô thị và tư duy khai thác đô thị mới chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, thiếu tầm nhìn về đầu tư dài hạn. Sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo trong cư dân đô thị ngày càng gia tăng dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận và hưởng thụ phúc lợi xã hội. Mâu thuẫn giữa phát triển với việc giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa lịch sử đô thị diễn ra gay gắt…
Việc sử dụng đất đai, dân số, lao động nhằm tăng cường chất lượng, tính hiệu quả, khả thi và bền vững của đô thị trong các đồ án quy hoạch còn có nhiều bất cập; công tác quy hoạch quản lý sử dụng không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị chưa được chú trọng.
Bên cạnh đó, phương pháp luận về lập quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển rất nhanh của đô thị hóa. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Mô hình kinh tế đô thị, mô hình quản lý đô thị Việt Nam đến nay không còn phù hợp, đã bộc lộ các hạn chế làm cản trở quá trình phát triển kinh tế; vai trò đầu tàu, tác động đến sự phát triển của các vùng và trong liên kết vùng chưa thật rõ rệt…
“Ở địa phương, chất lượng đồ án quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tầm nhìn còn hạn chế, dự báo còn thiếu tính khoa học và khả thi; quy hoạch thiếu gắn kết các chương trình dự án đầu tư, xây dựng công trình và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thiếu nội dung thiết kế đô thị; quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch chưa công khai, kịp thời, thường xuyên và rộng rãi; chính quyền đô thị chưa chủ động ban hành các văn bản điều hành, chuyển hóa các nội dung quy hoạch thành các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển đô thị phù hợp từng thời kỳ, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong lập và thẩm định quy hoạch” - KTS Trần Ngọc Chính.Hệ thống pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, nhà ở còn chưa thống nhất, không đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Quy trình phức tạp và sản phẩm cứng nhắc của các đồ án quy hoạch đang tạo ra cản trở lớn cho các nhà đầu tư. Khả năng tiếp cận thị trường của đồ án quy hoạch đô thị hiện nay còn rất hạn chế. Từ đó dẫn đến thực trạng để đáp ứng và thu hút các dự án đầu tư, chính quyền địa phương thường xuyên phải tiến hành điều chỉnh cục bộ các quy hoạch cấp trên liên quan (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu) theo một quy trình phức tạp và mất nhiều thời gian, điều này làm ảnh hưởng lớn đến cơ hội đầu tư và chi phí chung của doanh nghiệp.
Các công cụ quản lý phát triển đô thị còn thiếu; công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị chưa được thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả. Hệ thống thông tin, dữ liệu, số liệu cần thiết để phục vụ công tác lập quy hoạch còn thiếu.
Việc chưa ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp trên, trong khi hiện nay các tỉnh đồng loạt triển khai lập quy hoạch tỉnh đã làm ảnh hưởng đến nội dung quy hoạch tỉnh khi được phê duyệt và triển khai trong quá trình thực hiện.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan và chủ yếu là nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức; công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp./.
Link nội dung: https://tree.edu.vn/index.php/do-thi-viet-nam-phat-trien-manh-me-vuot-bac-ca-ve-so-luong-va-chat-luong-a12419.html