Trong thời đại công nghệ kết nối hoàn toàn như hiện nay, người dùng có thêm cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin hơn, đồng thời cũng đối mặt với nguy cơ máy tính bị xâm nhập bất hợp pháp. Việc bảo vệ dữ liệu máy tính rất quan trọng để giúp máy tính an toàn trước các rủi ro từ bên ngoài. Cùng Cuumaytinh tìm hiểu 10 cách giữ cho dữ liệu của bạn trong máy tính được bảo vệ nhé!
Bảo mật máy tính là bảo mật những gì?
Bảo mật máy tính là thực hiện chuỗi các hoạt động giữ cho mọi dữ liệu bên trong máy tính được an toàn, tránh xa các nguy cơ xâm hại từ bên ngoài như virus hay các phần mềm độc hại. Ngoài ra việc bảo mật đôi khi còn tránh làm dữ liệu bị thất thoát do sơ ý từ người dùng như xóa nhầm, làm hư hỏng thiết bị hay đột ngột ngắt điện máy tính,…
Dữ liệu máy tính bao gồm dữ liệu hệ thống (chủ yếu nằm trong ổ C), dữ liệu người dùng, dữ liệu các phần mềm đã cài đặt và đặc biệt là dữ liệu về tài khoản, mật khẩu được lưu trữ bên trong. Dữ liệu càng quan trọng càng cần nhiều lớp bảo vệ để phòng trừ mọi trường hợp có thể xảy đến.
Tầm quan trọng của hoạt động bảo mật máy tính
Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia có an ninh mạng kém nhất thế giới. Trong những năm gần đây, thường xuyên xuất hiện các cuộc tấn công dữ liệu quy mô lớn trên đất nước, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân một phần là do người dùng còn đang thờ ơ với vấn đề bảo mật dữ liệu. Tình trạng đặt mật khẩu dễ đoán, cài phần mềm crack, tò mò nhấp vào link lạ, thiếu kiến thức về dữ liệu máy tính là những lỗ hổng lớn để các hacker xâm nhập.
Nguy cơ bị đánh cắp thông tin hiện hữu trực tiếp khi máy tính nhiễm mã độc hoặc virus. Tệ hơn là chúng mã hóa tống tiền, chiếm quyền kiểm soát dữ liệu của bạn, khiến bạn không thể kiểm soát được phần dữ liệu đó. Đặc biệt nguy hiểm khi các thông tin về tên tuổi, số CCCD, địa chỉ, tài khoản ngân hàng bị lộ ra, bạn có thể bị rút hết tiền trong ngân hàng hoặc giả mạo để thực hiện tiếp các cuộc lừa đảo khác.
Bảo mật máy tính là hoạt động vô cùng quan trọng, là những lớp lá chắn đầu tiên ngăn chặn rủi ro bên ngoài tác động đến máy tính. Biện pháp này làm giảm đáng kể nguy cơ dữ liệu bị rò rỉ ra bên ngoài do lỗi hệ thống hoặc lỗi người dùng.
Bảo mật dữ liệu máy tính còn giúp bạn cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng, truy xuất dữ liệu hay tiếp nhận dữ liệu từ bên ngoài.
10 cách hữu ích để bảo vệ dữ liệu máy tính
Cuumaytinh xin giới thiệu tới người dùng 10 cách bảo mật dữ liệu máy tính đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả hiện nay.
Sử dụng phiên bản hệ điều hành và phần mềm chính hãng
Hiện vẫn có lượng lớn người dùng, đặc biệt là người dùng máy tính Windows có tâm lý sử dụng hệ điều hành và phần mềm crack vì giá rẻ. Họ quên rằng đây là công cụ hữu ích để các hacker tiếp cận máy tính dễ dàng. Ngoài ra phần mềm crack không được cập nhật liên tục, tạo ra rất nhiều lỗ hổng dữ liệu.
Việc sử dụng hệ điều hành và phần mềm chính hãng là cách để người dùng bày tỏ sự tôn trọng với nhà phát hành, cũng là cách tôn trọng dữ liệu bên trong máy tính. Hành động này giúp máy tính có thêm một lớp bảo vệ là từ chính nhà phát hành. Họ luôn tìm cách nâng cấp phần mềm, bổ sung thêm tính năng qua nghiên cứu và hóa giải các rủi ro mới ảnh hưởng tới thiết bị.
Thường xuyên cập nhật hệ thống và phần mềm bảo mật
Tới khi sử dụng hệ thống và phần mềm chính hãng, nhiều người dùng lại không muốn cập nhật phiên bản mới vì tâm lý sợ tốn thời gian và tốn dung lượng lưu trữ. Việc không cập nhật cho các phiên bản chính hãng không khác biệt nhiều so với việc sử dụng phiên bản crack.
Đừng vì những lý do trên mà quên mất rằng độ an toàn của dữ liệu mới là mối quan tâm hàng đầu của bạn. Tiến hành bảo mật máy tính cơ bản bằng việc kiểm tra cập nhật thường xuyên là thói quen tốt cần được tiến hành ngay lập tức.
Luôn bật tường lửa
Hai hệ điều hành máy tính phổ biến nhất hiện nay là Windows và macOS đều đã trang bị tường lửa (firewall) mạnh mẽ nhằm tự động ngăn chặn nguy cơ gây hại từ bên ngoài.
Nhiệm vụ của tường lửa là cảnh báo người dùng, ngăn chặn nếu nghi ngờ nguy cơ gây hại máy tính, đặc biệt là mã độc và virus. Tuyến phòng vệ bảo mật máy tính đầu tiên và không tốn công sức để triển khai chính là tường lửa. Ngay cả khi bạn tải xuống một file hình ảnh, tải xuống phần mềm không rõ nguồn gốc, lập tức tường lửa sẽ thông báo về nguy cơ gây hại. Lưu ý không được tắt tính năng này trong mọi trường hợp.
Đặt mật khẩu cho hệ thống và các ứng dụng quan trọng
Đặt mật khẩu là phương thức bảo mật dữ liệu máy tính phổ biến nhất. Đầu tiên bạn cần đặt mật khẩu hệ thống để bảo vệ máy tính mỗi lần khởi động hoặc tái khởi động. Sau đó các ứng dụng, tập tin quan trọng cần được mã hóa bằng mật khẩu.
Mật khẩu cần được thay đổi thường xuyên, khó đoán. Không nên sử dụng mật khẩu quá ngắn, mật khẩu trùng khớp mật khẩu cũ hoặc mật khẩu dễ đoán. Nếu khó nhớ mật khẩu hãy lưu trữ chúng ra thiết bị an toàn khác hoặc trên một cuốn sổ.
Tuy nhiên mật khẩu rất dễ bị bẻ khóa và chỉ được coi là biện pháp bảo mật trung bình. Bạn không nên quá tin tưởng vào mật khẩu mà quên đi các cách bảo mật máy tính khác.
Mã hóa nhóm dữ liệu quan trọng
Hiện đã có nhiều công cụ từ các nhà phát hành uy tín hỗ trợ người dùng, kể cả người kém về công nghệ trong việc mã hóa dữ liệu. Việc mã hóa sẽ tạo ra lớp bảo mật phức tạp cho dữ liệu nhưng cũng khiến bạn bất tiện trong việc truy xuất dữ liệu đó. Do đó chỉ nên mã hóa dữ liệu thực sự quan trọng và ít khi sử dụng.
Không truy cập đường link lạ
Không nên truy cập các đường link lạ từ internet, đặc biệt là các đường link có nội dung kích thích, tò mò cao. Mục đích của chủ nhân đường link đó là rất đa dạng trong đó phổ biến là tìm cách xâm nhập vào dữ liệu của bạn.
Lưu ý khi bạn bè của bạn hoặc người lạ bất chợt gửi một đường link lạ và yêu cầu nhấn vào gấp. Khả năng cao tài khoản đó đã bị chiếm quyền bởi các hacker. Các đường link thường được rút gọn, có nội dung gần giống với các địa chỉ uy tín thậm chí hiển thị thông tin giả để lôi kéo bạn nhấn vào dễ hơn.
Không cài đặt phần mềm từ nguồn chưa xác thực
Tình trạng sử dụng phần mềm crack, phần mềm chưa xác thực phần lớn đến từ nhóm người dùng muốn sử dụng miễn phí. Như Cuumaytinh đã đề cập ở trên, việc sử dụng phần mềm này chỉ mang lại lợi ích tức thì nhưng tạo ra lỗ hổng bảo mật máy tính ngày càng lớn theo thời gian. Vậy nên đừng đánh đổi lợi ích ngắn hạn lấy sự an toàn cho dữ liệu của bạn.
Không chia sẻ thông tin cá nhân dễ dàng
Đừng bán rẻ thông tin cá nhân của bạn bằng việc chia sẻ chúng qua mạng xã hội, qua các ứng dụng hay các phiếu khảo sát, thông tin mua hàng,…. Bạn sẽ chẳng biết được mục đích của những người đứng sau là gì. Họ có thể không xâm hại đến thông tin đó nhưng có thể tận dụng để bán cho bên thứ 3 nhằm trục lợi. Và bên mua thường là những người không có nhiều ý đồ tốt đẹp với dữ liệu của bạn.
Bảo mật dữ liệu cá nhân chính là cách để bảo mật máy tính, đặc biệt với máy tính đã đồng bộ thông tin nhiều tài khoản. Mọi thông tin từ cơ bản như họ tên, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại đến quan trọng như tài khoản ngân hàng, số CCCD/hộ chiếu, giờ sinh, thông tin vé bay/vé tàu, tài khoản mạng xã hội,… đều cần cân nhắc khi đưa lên không gian mạng. Nếu buộc phải gửi những hình ảnh có liên quan đến dữ liệu quan trọng, hãy làm mờ phần đó đi nhé!
Thực hiện đăng xuất tại thiết bị khác
Sau khi đăng nhập tại các thiết bị công cộng để sử dụng, bạn cần đăng xuất ngay lập tức tránh trường hợp người khác tranh thủ truy cập vào.
Thường xuyên sao lưu dữ liệu
Sao lưu dữ liệu là cách bảo mật máy tính của bạn trước nguy cơ bị hacker mã hóa, chiếm quyền quản trị dữ liệu. Hiện nay đã có rất nhiều cách sao lưu hiệu quả bạn có thể tham khảo như sao lưu ra các thiết bị gắn ngoài hay sao lưu đám mây. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng và hãy cân nhắc để sử dụng chúng.
Như vậy Cuumaytinh đã cung cấp cho bạn 10 cách phổ biến hiện nay để bảo mật máy tính trước các rủi ro về dữ liệu. Đó đều là những cách dễ dàng thực hiện cho bạn. Nếu gặp sự cố về dữ liệu máy tính, liên hệ ngay Cuumaytinh qua hotline 1900 636 196 để được tư vấn giải pháp kịp thời.