Thai nhi 37 tuần là một dấu mốc quan trọng trong hành trình mang thai. Đây cũng là giai đoạn mà nhiều mẹ bầu bắt đầu cảm thấy hồi hộp, lo lắng về quá trình chuyển dạ và sinh con. Sau đây, cùng Pharmacity tìm hiểu về sự phát triển của bé cũng như lời khuyên cho mẹ bầu trong giai đoạn này nhé!
Sự phát triển của thai nhi 37 tuần tuổi
“Thai 37 tuần là mấy tháng?” sẽ tương đương với tháng thứ 8 của thai kỳ, bé ở tuần 37 đã có kích thước tương đương một trái đu đủ hoặc dưa lưới, với chiều dài khoảng 48,6 cm và cân nặng dao động từ 2,5 đến 3,4 kg. Lúc này, bé tăng trưởng khoảng 14 gram mỗi ngày và 450 gram mỗi tuần. Do không gian trong tử cung ngày càng chật chội, bé có thể sẽ bớt đạp và vận động hơn trước.
Hình ảnh siêu âm cho thấy đầu của bé khá to, có chu vi tương đương với vòng ngực sau khi chào đời. Bé cũng đã bụ bẫm với những ngấn mỡ đáng yêu ở khuỷu tay, cổ tay, đầu gối và vai. Khi thai nhi 37 tuần, bé lúc này đã có thể phối hợp các bộ phận cơ thể một cách linh hoạt, bao gồm cả việc nắm bắt bằng ngón tay. Tuy nhiên, phổi của bé vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và cần thêm 2 tuần nữa để trưởng thành hoàn toàn, cùng với não bộ.
Bé lúc này đã có thể phối hợp các bộ phận cơ thể một cách linh hoạt, bao gồm cả việc nắm bắt bằng ngón tay. Bé cũng tập thở bằng cách hít vào và thở ra nước ối, thú vị hơn, bé có thể quay mặt về phía trong tử cung khi cảm nhận được ánh sáng chói.
Cơ thể của mẹ bầu ở tuần thai thứ 37 thay đổi như thế nào?
Bên cạnh quan tâm thai 37 tuần phát triển như thế nào, nhiều mẹ bầu cũng quan tâm đến những thay đổi của cơ thể và điều cần lưu ý trong giai đoạn này, cùng tìm hiểu nhé!
Sự thay đổi cơ thể mẹ bầu khi thai nhi 37 tuần tuổi
Ở tuần 37, mẹ sẽ bị bong nút nhầy cổ tử cung, đây là lớp chất nhầy đặc, màu vàng hoặc hồng, có thể lẫn chút máu, được hình thành để bảo vệ thai nhi khỏi vi khuẩn. Khi cổ tử cung mở rộng để chuẩn bị cho sinh nở, nút nhầy này sẽ bong ra và được đẩy ra ngoài âm đạo. Nút nhầy có thể bong ra trong vài tuần, vài ngày hoặc thậm chí vài giờ trước khi chuyển dạ.
Những điều mẹ bầu cần lưu ý trong giai đoạn bầu 37 tuần
Trong giai đoạn cuối thai kỳ, nếu mẹ bầu gặp phải các dấu hiệu và vấn đề sức khỏe sau, cần đi khám ngay:
- Nếu mẹ bầu thấy xuất hiện một hoặc hai đốm máu đỏ tươi bất kỳ lúc nào trong tuần thai thứ 37, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nhau thai bong non, một vấn đề nghiêm trọng cần được xử lý y tế kịp thời.
- Đau bụng liên tục và dữ dội khi thai nhi 37 tuần cũng là dấu hiệu cần được chú ý. Mặc dù ít gặp hơn, nhưng đây có thể là biểu hiện của nhau bong non, đi kèm với sốt, tiết dịch âm đạo và nguy cơ nhiễm trùng.
- Nhiều mẹ bầu mang thai 37 tuần thường lo lắng khi cảm thấy bé ít đạp hơn so với trước đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sản khoa, việc thai nhi giảm thiểu hoạt động ở giai đoạn này là điều hoàn toàn bình thường. Lý do là vì lúc này, bé đã lớn và tụt sâu xuống vùng xương chậu, khiến không gian để cử động trở nên hạn chế hơn. Tuy nhiên, việc giảm chuyển động của thai nhi có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và mẹ nên đi khám ngay nếu thấy nghi ngờ.
Nếu gặp chứng ợ nóng, mẹ bầu có thể nhai một ít hạnh nhân nhằm giúp trung hòa axit dạ dày, từ đó giảm bớt cảm giác nóng rát do ợ nóng. Hay uống sữa ấm pha mật ong giúp kháng viêm và làm dịu, giúp giảm bớt cảm giác khó chịu do ợ nóng.
Khi em bé lớn dần và chuẩn bị cho ngày chào đời, bé sẽ di chuyển xuống thấp hơn trong khung xương chậu của mẹ, gây khó chịu cho bàng quang. Mẹ có thể sử dụng đai đỡ bụng bầu để nâng đỡ trọng lượng của thai nhi, giảm áp lực lên khung xương chậu và lưng của bạn.
Chuột rút ở chân và phù nề là những vấn đề phổ biến mà phụ nữ mang thai thường gặp phải, đặc biệt là vào ban đêm. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày, ngay cả khi không cảm thấy khát. Ngoài ra, bổ sung Magie và canxi, đây là hai khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của thai nhi và cũng giúp ngăn ngừa chuột rút.
Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ bầu ở tuần thứ 37
Khi đi khám thai định kỳ, mẹ bầu cần chủ động trao đổi với bác sĩ về những vấn đề sau đây khi thai nhi 37 tuần:
- Quá trình chuyển dạ và sinh nở: Mẹ nên tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ và thời điểm cần đến bệnh viện. Bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ về các phương pháp sinh khác nhau như sinh thường, sinh mổ và những ưu nhược điểm của từng phương pháp.
- Sức khỏe của mẹ bầu: Mẹ nên thông báo cho bác sĩ về bất kỳ vấn đề sức khỏe nào đang gặp phải, bao gồm các bệnh mạn tính, dị ứng hoặc đang sử dụng thuốc. Bác sĩ có thể sẽ đưa ra những lời khuyên cụ thể để giúp mẹ bầu đảm bảo sức khỏe trong giai đoạn cuối thai kỳ và chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
- Lo lắng và căng thẳng: Căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh nở, mẹ nên chia sẻ với bác sĩ về những lo lắng, bồn chồn đang gặp phải để được tư vấn và hỗ trợ.
Từ tuần thai này, mẹ bầu nên khám thai định kỳ mỗi tuần cho đến khi sinh, từ đó bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm:
- Kiểm tra vùng xương chậu nhằm xác định vị trí thai nhi (ngôi thai thuận, ngôi ngang hay ngôi ngược). Hầu hết thai nhi sẽ ở ngôi thai thuận. Đánh giá mức độ mở và mềm của cổ tử cung (bằng centimet và tỷ lệ phần trăm).
- Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể xét nghiệm máu để kiểm tra sức khỏe tổng thể của mẹ và thai nhi, bao gồm:
- Công thức máu để xem xét lượng tế bào máu đỏ, hồng cầu và tiểu cầu.
- Đường huyết nhằm phát hiện nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
- Nhóm máu là vô cùng quan trọng trong trường hợp cần truyền máu.
- Sàng lọc các bệnh nhiễm trùng: Viêm gan B, HIV, giang mai,…
- Siêu âm để kiểm tra sự phát triển của thai nhi, lượng nước ối và nhau thai và xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra protein và các dấu hiệu nhiễm trùng.
Những vấn đề sức khỏe của mẹ và thai nhi 37 tuần tuổi
Trong giai đoạn này, việc sử dụng thuốc Dimenhydrinate (như Vomina® hay Novomin®) được xem là an toàn cho phụ nữ mang thai 37 tuần tuổi để giảm tình trạng say tàu xe khi di chuyển. Việc sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc dài cũng không ảnh hưởng bất thường đến thai nhi.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, khuyến cáo mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả Dimenhydrinate. Bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của mẹ và thai nhi để đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.
Hy vọng với những thông tin được cung cấp trên, đã giúp các mẹ nắm được thai nhi 37 tuần phát triển như thế nào và các vấn đề nên lưu ý. Các mẹ hãy chuẩn bị tâm lý thật tốt, giữ tinh thần thoải mái và lạc quan để chào đón bé yêu chào đời một cách khỏe mạnh nhất nhé!