"Trung Quốc hẳn đã có những hành động rất đúng đắn", Kevin Chen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ở Washington, Mỹ, cho biết khi được yêu cầu bình luận về những dữ liệu gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này tiếp tục bội thu bất chấp những yếu tố bất lợi.
Ông Chen cho biết việc áp dụng công nghệ và sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách của nước này đã thúc đẩy sản xuất lương thực, đồng thời giúp xây dựng một hệ thống cung cấp lương thực có khả năng chống chịu với những biến động trên thị trường quốc tế.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, tổng sản lượng ngũ cốc của nước này trong năm 2023 đạt 695 triệu tấn, tăng khoảng 1% so với mức kỷ lục năm 2022, bất chấp mưa lớn, lũ lụt và hạn hán ở nhiều khu vực trên cả nước,.
Để đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực, vấn đề cung cấp lương thực đã được liệt kê là một trong 2 "lằn ranh đỏ" trong công tác xây dựng nông thôn của chính quyền trung ương trong "Tài liệu Trung ương Số 1" năm 2024, được công bố hôm 3/2. Tài liệu này cho thấy trọng tâm năm nay của Trung Quốc sẽ là cải thiện năng suất đất nông nghiệp trong khi vẫn giữ cho khu vực trồng trọt ổn định. Nước này cũng đặt mục tiêu sản lượng ngũ cốc năm 2024 trên 650 triệu tấn.
Hồi tháng 1/2023, Vụ Kế hoạch Phát triển thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, cho biết dự trữ ngũ cốc bình quân đầu người của nước này ở mức hơn 490 kg, vượt xa tiêu chuẩn an ninh lương thực quốc tế là 400 kg.
Tỷ lệ dự trữ - tiêu thụ lương thực của nước này cũng cao hơn nhiều so với mức an toàn 17 - 18% do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đặt ra.
Tuy nhiên, trên thế giới, hàng loạt các yếu tố bao gồm các sự kiện thời tiết cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xung đột ở nhiều khu vực và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ do hạn hán, đã đẩy giá gạo lên mức cao nhất trong 15 năm.
Ở chiều ngược lại, giá lương thực của Trung Quốc vẫn ổn định trong năm 2023, với giá thu mua gạo trong nước trong tháng 9 chỉ cao hơn 0,7% so với tháng 1.
Johan Swinnen, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, nguồn cung lương thực thế giới đã có sự biến động lớn kể từ năm 2015.
"Ví dụ, nếu bạn nhìn vào giai đoạn 1985 - 2015, có thể thấy những tiến bộ rất lớn trên thế giới trong việc xóa đói đói và phòng chống suy dinh dưỡng. Do vậy, an ninh lương thực được cải thiện và nghèo đói giảm bớt", ông nói.
"Tuy nhiên, đến năm 2015, mọi thứ dường như chững lại và bây giờ nó đang đi theo hướng khác. Điều này rất đáng lo ngại", ông Swinnen nói.
Ông Swinnen cho rằng nguyên nhân một phần là do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các cuộc xung đột trên thế giới mới là nguyên nhân chính khiến cho tình trạng vô gia cư và nạn đói trở nên tồi tệ hơn.
"Trước năm 2015, trong gần 20 năm, có khoảng 40 triệu người trên thế giới phải tha hương cầu thực. Tuy nhiên, trong 7 năm qua, con số này đã tăng lên lên 100 triệu người", ông nói.
Ông Swinnen ca ngợi những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực bằng cách thúc đẩy sản xuất trong nước, đồng thời cho biết rằng việc cuộc khủng hoảng giá lương thực quốc tế hồi năm 2008 đã là hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia từng cảm thấy thoải mái khi phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.
"Việc giá lương thực leo thang đã gây ra rất nhiều lo ngại ở nhiều quốc gia. Ở Trung Quốc, điều này thực sự lay động chính phủ. Không gì có thể đảm bảo rằng sẽ luôn có thực phẩm với giá thấp", ông Swinnen nói.
Giới chức Trung Quốc hồi tháng 1/2024 cho biết rằng nhập khẩu ngũ cốc trong năm 2023 của nước này đã tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Tổng cục Hải quan, đậu tương chiếm hơn 60% nhập khẩu ngũ cốc vào năm 2023. Các quan chức Trung quốc cho biết nước này có nhu cầu rất lớn đối với bột dầu đậu tương để làm thức ăn chăn nuôi.
Giới chức nông nghiệp Trung Quốc cho biết họ đang nỗ lực cải tiến các công thức thức ăn chăn nuôi nhằm sử dụng nguyên liệu thô giàu protein hiệu quả hơn.
Trung Quốc lâu nay đã phụ thuộc vào nhập khẩu đậu tương để dành thêm diện sản xuất lúa mì và gạo.
Gần đây, chính quyền trung ương đã nỗ lực làm việc để tăng cường nguồn cung đậu tương trong nước nhằm bảo vệ Trung Quốc, nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới theo khối lượng, trước các yếu tố bên ngoài từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại đến việc gián đoạn hoạt động vận tải do xung đột ở các khu vực.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc Đặng Tiểu Cương gần đây cho biết diện tích trồng đậu tương của nước này trong năm 2023 đạt 10,4 triệu ha, với năng suất kỷ lục 20,84 triệu tấn. Thứ trưởng cũng khẳng định rằng rằng nguồn cung lương thực của đất nước đã được đảm bảo.
"Tài liệu Trung ương số 1" cũng cam kết nỗ lực hơn nữa để tiếp tục trợ cấp cho người trồng đậu tương và hỗ trợ phát triển các giống đậu năng suất cao và nhiều dầu hơn. Đồng thời, tăng bảo hiểm để bảo vệ nông dân trồng đậu tương khỏi bị thu mua giá thấp.
Kevin Chen từ Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho rằng chiến lược của Trung Quốc về việc tăng cường nhập khẩu đậu tương để nhường đất sản xuất cho các loại lương thực thiết yếu khác đã cho thấy hiệu quả khá tốt trong những thập kỷ gần đây. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ để tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong những năm gần đây của Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho nước này mà còn cho toàn thế giới.
"Nước Trung Quốc quá lớn. Muốn đảm bảo an ninh lương thực thế giới, an ninh lương thực của Trung Quốc cần được an toàn trước tiên", ông nói.