Nguyên nhân khủng hoảng kinh tế 2008
Sự sụp đổ kinh tế toàn cầu vào năm 2008 là xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó gồm:
Bong bóng thị trường nhà đất
Sự bùng nổ và sau đó sụp đổ của thị trường nhà đất ở Mỹ là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng này.
Vào đầu những năm 2000, giá nhà ở Mỹ tăng rất nhanh do các ngân hàng cung cấp các khoản vay thế chấp dễ dãi, bao gồm cả các khoản vay cho những người có tín dụng kém.
Nhiều người vay tiền để mua nhà với lãi suất thấp ban đầu nhưng không thể trả được nợ khi lãi suất tăng lên. Khi ngày càng nhiều người không thể trả nợ, giá trị của nhà đất giảm mạnh và bong bóng nhà đất vỡ.
Đọc thêm: Bóng bóng kinh tế là gì? Nguyên nhân dẫn đến bong bóng kinh tế.
Chứng khoán hóa và các công cụ tài chính phức tạp
Các khoản vay thế chấp được đóng gói thành chứng khoán thế chấp và các sản phẩm tài chính phái sinh khác.
Những chứng khoán này sau đó được bán cho nhà đầu tư toàn cầu và nhận được xếp hạng cao từ các cơ quan đánh giá tín dụng, tạo ra cảm giác an toàn giả tạo, khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng chúng rất ít rủi ro.
Khi người vay bắt đầu vỡ nợ, giá trị của các chứng khoán này giảm mạnh, gây tổn thất lớn cho các nhà đầu tư và tổ chức tài chính.
Thất bại của các tổ chức tài chính lớn
Sự thất bại của các tổ chức tài chính lớn càng làm tình hình tồi tệ hơn.
Tháng 9 năm 2008, Lehman Brothers, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, tuyên bố phá sản, tạo ra làn sóng hoảng loạn trong hệ thống tài chính. Các ngân hàng ngừng cho vay lẫn nhau, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng.
Chính sách thất bại của FED và các gói cứu trợ
Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Chính phủ đã cố gắng kiểm soát tình hình bằng cách giảm lãi suất và đưa ra các gói cứu trợ như Emergency Economic Stabilization Act năm 2008, những biện pháp này không đủ để ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Tác động của khủng hoảng kinh tế 2008
Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đã có những tác động sâu rộng và kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế thế giới.
Suy thoái kinh tế toàn cầu
Cuộc khủng hoảng đã lan rộng toàn cầu, dẫn đến suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia. GDP toàn cầu giảm mạnh, nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển phải đối mặt với suy thoái kinh tế.
Điển hình là GDP của Mỹ giảm 4,3% trong năm 2009, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái 1929.
Tăng mức nợ công
Nhiều quốc gia phải tăng mức nợ công để cứu trợ các ngân hàng và kích thích nền kinh tế. Chính phủ Mỹ đã tung ra gói cứu trợ TARP trị giá 700 tỷ USD và các gói kích thích kinh tế khác như gói kích thích 787 tỷ USD vào năm 2009.
Ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn
Cuộc khủng hoảng để lại hậu quả lâu dài, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm. Nhiều quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Ireland và Tây Ban Nha phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng và phải nhận các gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu.
Thất nghiệp tăng cao
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng vọt lên 10% vào tháng 10 năm 2009, mức cao nhất trong 25 năm. Hàng triệu người mất việc làm khi các công ty phải cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa.
Sụt giảm mạnh giá trị tài sản
Giá trị tài sản của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ giảm hơn 20%, từ 69 nghìn tỷ USD vào mùa thu năm 2007 xuống còn 55 nghìn tỷ USD vào mùa xuân năm 2009, tương đương mất 14 nghìn tỷ USD.
Sụt giảm thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Tại Mỹ, giá nhà giảm mạnh khi bong bóng nhà đất vỡ, dẫn đến hàng triệu người bị tịch biên nhà và thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng.
Sụp đổ các ngân hàng và tổ chức tài chính
Nhiều ngân hàng lớn bị phá sản hoặc cần cứu trợ. Ví dụ khi vụ phá sản lớn nhất của Hoa Kỳ từ ngân hàng Lehman Brothers xảy ra với khối tài sản hơn 600 tỷ USD, các ngân hàng khác cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng. Chính phủ Mỹ đã cứu trợ các ngân hàng như Citigroup, nhận 45 tỷ USD và các công ty bảo hiểm như AIG.
Đọc thêm: Diễn biến và nguyên nhân Lehman Brothers sụp đổ.
Khủng hoảng kinh tế 2008 ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
Về thương mại
Suy giảm nhu cầu tiêu dùng và sản xuất toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính như dệt may, điện tử và các sản phẩm tiêu dùng khác đều giảm mạnh do các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu thu hẹp sức mua.
Về đầu tư nước ngoài
Lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài bị lung lay, dẫn đến suy giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư lớn bị hoãn lại hoặc hủy bỏ.
Về hoạt động tài chính và thị trường tiền tệ
Sự suy giảm trong nhu cầu và xuất khẩu gây áp lực lớn lên đồng tiền địa phương và làm tăng lạm phát. Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu tổn thất nặng nề khi các nhà đầu tư rút vốn.
Bài học kinh nghiệm từ khủng hoảng kinh tế dành cho nhà đầu tư
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Đa dạng hóa bằng cách phân bổ tài sản vào nhiều loại hình như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và hàng hóa, cũng như đầu tư vào các thị trường trong và ngoài nước để giảm thiểu rủi ro khi có biến động.
Nắm bắt cơ hội
Trong mọi khủng hoảng kinh tế đều có những cơ hội. Hãy tìm kiếm những cơ hội đầu tư giá trị trong những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Học hỏi và nghiên cứu
Hiểu rõ về dữ liệu kinh tế và biết cách đọc và phân tích các chỉ số kinh tế cơ bản như GDP, thất nghiệp, lạm phát, tỷ giá hối đoái, tiêu dùng… sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư thông minh hơn.
Xem thêm: Các mô hình và 11 chỉ số quan trọng trong nền kinh tế.
Giữ lại tiền mặt
Trong thời kỳ không chắc chắn, việc giữ một lượng tiền mặt có thể cần thiết để tận dụng những cơ hội đầu tư xuất hiện khi thị trường giảm giá.
Kiểm soát cảm xúc
Khi đầu tư, cần tâm lý ổn định và tránh đưa ra quyết định dựa trên sự hoảng loạn hoặc sự sợ hãi. Hãy giữ đầu “lạnh” và tập trung vào kế hoạch đầu tư dài hạn của bạn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đem lại những kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Qua đó chúng ta đã học cách nhận diện và đối phó với rủi ro tài chính, xây dựng chiến lược đầu tư an toàn hơn.