Tổng quan về Công ty sữa Việt Nam - Vinamilk
Là một doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam, Công ty sữa Vinamilk đã đạt được nhiều thành tựu sau 45 năm hình thành và phát triển. Đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành sữa nói riêng và đất nước nói chung, Vinamilk đã trở thành một trong 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam được bình chọn bởi tạp chí Forbes.
Có tên gọi đầy đủ là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam hay Vinamilk, Công ty Vinamilk là doanh nghiệp chuyên về sản xuất và kinh doanh sữa cũng như các sản phẩm từ sữa và thiết bị máy móc liên quan. Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Vinamilk là công ty lớn thứ 15 tại Việt Nam vào năm 2007.
Hiện nay, Vinamilk là một doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ sữa tại thị trường Việt Nam. Phần lớn các sản phẩm của thương hiệu này đều chiếm thị phần lớn trên cả nước.
- 54,5% thị phần sữa trong nước
- 40,6% thị phần sữa bột
- 33,9% thị phần sữa chua uống
- 84,5% thị phần sữa chua ăn
- 79,7% thị phần sữa đặc
Các sản phẩm của Công ty sữa Việt Nam Vinamilk đều được bán khắp 63 tỉnh thành trên cả nước với khoảng 220.000 điểm phân phối. Ngoài ra, công ty sữa này còn xuất khẩu sang 43 quốc gia trên thế giới như Đức, Nhật Bản, Canada, Mỹ, Pháp…
Sau hơn 45 năm hình thành và phát triển, Công ty sữa Việt Nam - Vinamilk đã mở rộng quy mô lên tới 46 đơn vị gồm 1 trụ sở chính, 5 chi nhánh, 16 nhà máy, 2 kho vận, 14 trang trại bò sữa, và 8 công ty con, công ty liên kết cả trong và ngoài nước.
Công ty sữa Việt Nam là của quốc gia nào?
Mặc dù thương hiệu Vinamilk rất nổi tiếng nhưng không phải ai cũng biết rõ về nhà phân phối sữa này. Như đã đề cập ở trên, Vinamilk là doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm được làm từ sữa và đây là một thương hiệu đầy tự hào của Việt Nam.
Trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển, công ty đã có những sự biến đổi không ngừng. Xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ lâu, đến nay vị thế của thương hiệu Vinamilk trong ngành công nghiệp sữa vẫn vô cùng vững chắc.
Lịch sử hình thành và phát triển của Công ty sữa Việt Nam Vinamilk
Trải qua nhiều năm hoạt động, Công ty sữa Vinamilk đã có rất nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, đánh dấu từng bước tiến mới của doanh nghiệp cũng như khẳng định vị thế ngày càng vững vàng của thương hiệu trên thị trường.
Giai đoạn hình thành: 1976-1986
Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) được thành lập chính thức năm 1976, với tên gọi ban đầu là Công ty Sữa - Cà Phê Miền Nam, thuộc Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm miền Nam.
Năm 1982, Công ty Sữa - Cà Phê Miền Nam được chuyển về Bộ công nghiệp thực phẩm, rồi đổi thành Xí nghiệp Sữa - Cà phê - Bánh kẹo I.
Giai đoạn đổi mới: 1986-2003
Vào năm 1992, Xí nghiệp Liên hiệp Sữa - Cà phê - Bánh kẹo I đã đổi tên chính thức thành Công ty Sữa Vietnam Vinamilk thuộc Bộ công nghiệp nhẹ, chuyên sản xuất, chế biến những sản phẩm từ sữa.
Hai năm sau đó, công ty đã xây dựng thêm một nhà máy tại Hà Nội để phát triển thị trường ở khu vực phía Bắc. Sau sự kiện này, số nhà máy của công ty tăng lên thành 4. Việc xây dựng nằm trong chiến lược mở rộng và phát triển để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân miền Bắc đối với các sản phẩm của thương hiệu.
Năm 1996, công ty đã liên doanh với Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn để thành lập Xí nghiệp Liên Doanh Sữa Bình Định. Nhờ đó, mà Vinamilk tiếp tục xâm nhập thành công thị trường miền Trung.
Vào năm 2000, công ty xây dựng nhà máy sữa Cần Thơ tại khu công nghiệp Trà Nóc. Đến tháng 5/2001, khánh thành nhà máy sữa Cần Thơ.
Giai đoạn cổ phần hóa: Từ năm 2003 đến nay
Tháng 11/2003, Vinamilk đã được chuyển thành Công ty cổ phần Sữa Việt Nam với mã giao dịch trên sàn chứng khoán Việt là VNM. Trong năm đó, nhà máy sữa tại khu vực Bình Định và TP.HCM của công ty cũng đã được khánh thành.
Năm 2004, Vinamilk thâu tóm cổ phần của Công ty cổ phần Sữa Sài Gòn tăng số vốn điều lệ lên 1.590 tỷ đồng. Sau đó 1 năm, công ty tiếp tục mua cổ phần của các đối tác liên doanh trong Công ty CP sữa Bình Định. Vào năm 2005, khánh thành nhà máy Sữa tại Nghệ An.
Năm 2006, Vinamilk được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước khi đó nắm giữ 50,01% vốn điều lệ của Vinamilk. Và cũng trong năm đó, công ty đã chính thức đổi logo thương hiệu.
Năm 2009, công ty đã phát triển được 9 nhà máy cùng nhiều trang trại nuôi bò sữa tại Tuyên Quang và Nghệ An, có 135.000 đại lý phân phối. Ba năm sau đó, công ty tiếp tục đổi logo thương hiệu.
Năm 2010-2012, công ty đã tiến hành xây dựng nhà máy sữa nước và sữa bột tại tỉnh Bình Dương, với 220 triệu USD số vốn đầu tư. Năm 2011, Vinamilk đưa nhà máy sữa Đà Nẵng vào hoạt động với số đầu tư lên tới 30 triệu USD.
Vào năm 2016, công ty khánh thành nhà máy Sữa Angkormilk ở Campuchia, đây cũng là nhà máy Sữa đầu tiên ở nước ngoài của công ty. Vào năm 2017, tiếp tục khánh thành trang trại bò sữa Organic chuẩn Châu Âu đầu tiên tại Đà Lạt, Việt Nam.
Năm 2018, công ty đã khánh thành tổ hợp trang trại bò sữa công nghệ cao Thống Nhất - Thanh Hóa với quy mô 4.000 con bò, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng.
Đến năm 2020, Vinamilk thâu tóm thành công Mộc Châu Milk khi sở hữu 75% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần GTNfoods.
Một số sản phẩm của Công ty sữa Việt Nam
Đến nay, Công ty cổ phần Sữa Vinamilk đã cung cấp hơn 250 loại sản phẩm, nổi bật theo ngành hàng như sau:
- Sữa bột trẻ em và người lớn: Grow Plus, Optimum Gold, Dielac, Alpha, Pedia; bột dinh dưỡng Ridielac, Diecerna đặc trị tiểu đường, SurePrevent, CanxiPro, Mama Gold.
- Sữa nước với các nhãn hiệu: Flex, Super SuSu, ADM GOLD
- Sữa chua với các nhãn hiệu: Probi, SuSu, ProBeauty
- Sữa đậu nành - nước giải khát: Nước trái cây: Nước đóng chai Icy, sữa đậu nành GoldSoy, Vfresh
- Sữa đặc: Ông Thọ, Ngôi sao Phương Nam
- Kem và phô mai: Subo, kem Delight, Twin Cows, Nhóc kem, Nhóc Kem Oze, phô mai Bò Đeo Nơ
Vinamilk: Từ Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đến Top 10 công ty sữa giá trị nhất toàn cầu
Vào năm 2016, tờ Forbes đã xếp hạng Vinamilk vào top doanh nghiệp tỷ đô của Việt Nam với giá trị đạt hơn 1,5 tỷ USD. Vào năm 2020, dù gặp không ít khó khăn vì đại dịch nhưng công ty vẫn được định giá thêm 200 triệu USD so với 2019 khi đạt 2,4 tỷ USD.
Báo cáo tài chính của Vinamilk vào quý II năm 2020 cho thấy doanh thu thuần kinh doanh nội địa của công ty đạt mức 25.456 tỷ đồng, xuất khẩu trực tiếp đạt 2.451 tỷ đồng, tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ.
Đến nay, Công ty sữa Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm tới 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, ghi nhận tổng kim ngạch đạt hơn 2,2 tỷ USD. Đáng chú ý, cổ phiếu của doanh nghiệp được xếp vào hàng ngũ cổ phiếu bluechip tại Việt Nam. Đây là cổ phiếu dành cho những doanh nghiệp có bước tăng trưởng và doanh thu ổn định.
Ngoài ra, Công ty sữa Việt Nam Vinamilk còn là một trong những đại diện tiêu biểu của ngành sữa Việt Nam và đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế khi lọt top 10 công ty sữa giá trị nhất toàn cầu.
Theo báo cáo Brand Finance (tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới) công bố vào tháng 9 năm 2023, Vinamilk được định giá 3 tỷ USD, xếp hạng thứ 6 trong top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu. Đây là một thành tựu đáng tự hào, khẳng định chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu và chiến lược phát triển hiệu quả của Vinamilk./.