Nếu bạn đang quan tâm hoặc tìm hiểu về thị trường tài chính tiền tệ và đầu tư, chắc hẳn đã nghe đến chỉ số DXY. Nhưng cụ thể chỉ số DXY là gì, công thức tính thế nào? Chỉ số DXY cho to biết những tín hiệu gì trên thị trường? Hãy cùng dautucoin.io đi tìm hiểu câu trả lời chi tiết ở nội dung bài viết dưới đây nhé.
Chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ - DXY là gì?
Chỉ số DXY là gì?
Chỉ số DXY, hay còn gọi là chỉ số USD Index (ký hiệu là DX, DXY, USDX) là một loại thước đo giá trị sức mạnh đồng đô la Mỹ so với 6 loại tiền tệ của những quốc gia đang là đối tác thương mại lớn của Mỹ, bao gồm: Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Bảng Anh (GBP), Đô la Canada (CAD), Kronor Thụy Điển (SEK), Franc Thụy Sĩ (CHF).
Chỉ số DXY sẽ biến động cùng chiều với giá trị đồng USD. Khi DXY tăng, đồng nghĩa với việc tỷ giá của đồng USD cũng đang tăng và ngược lại.
Có thể bạn sẽ thắc mắc, nếu chỉ số DXY (US Dollar Index) được tạo bởi 6 LOẠI TIỀN TỆ, thì có bao nhiêu quốc gia có khả năng tác động lên chỉ số USD Index?
Câu trả lời: 06 quốc gia? SAI Bởi vì bao gồm trong rổ tiền tệ này có sự tham gia của đồng EURO (EUR). EUR là đồng tiền chung của Khối liên minh Châu Âu, có sự tham gia của 19 quốc gia. Như vậy, có tổng cộng 5 + 19 = 24 quốc gia có khả năng tác động lên chỉ số USD Index.
Công thức tính chỉ số DXY là gì?
USD Index được tính toán từ tỷ giá hối đoái của 06 đồng tiền tệ khác (đi kèm với tỷ trọng cấu thành USD Index) là:
- EUR 57,6%
- JPY 13,6%
- GBP 11,9%
- CAD 9,1%
- SEK 4,2%
- CHF 3,6%
Tỷ trọng trung bình được tính theo tỷ lệ phần trăm ở phía trên từ đâu mà có? Mỗi quốc gia có diện tích và nền kinh tế với quy mô hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế tỷ trọng của chúng phải khác nhau. EURO Zone có tới 19 quốc gia tham gia chính vì vậy EUR chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số sức mạnh của USD (DXY). Tiếp theo đó là Yên Nhật, vì Nhật Bản là một trong các cường quốc kinh tế.
Cụ thể, chỉ số này được tính theo công thức như sau:
Nhìn vào công thức và bảng phía trên có thể thấy giá trị của mỗi loại tiền tệ sẽ được nhân với trọng số. Trọng số là số dương khi đồng đô la Mỹ là tiền tệ cơ sở. Trọng số là một số âm khi đồng đô la Mỹ là tiền tệ biến đổi.
Trong số 6 loại ngoại tệ chỉ có Euro và Bảng Anh là hai loại tiền tệ duy nhất có đồng đô la Mỹ là tiền tệ cơ sở, 4 loại tiền tệ còn lại đều có đồng đô la Mỹ là tiền tệ biến đổi.
Lịch sử hình thành của chỉ số DXY (USD Index)
Bạn đã tìm hiểu về chỉ số DXY là gì, nhưng bạn có tò mò rằng liệu chỉ số này từ đâu mà có không? Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED đã tạo ra chỉ số DXY (USD Index) để theo dõi giá trị của đồng tiền này.
Trước khi có sự xuất hiện của chỉ số USD luôn được định giá ở mức 35 USD/ounce vàng. Tuy nhiên đến năm 1973, bản vị vàng được từ bỏ và đồng USD được thả nổi trên thị trường ngoại hối. Chính vì vậy chỉ số DXY được ra đời nhằm đánh giá sức mạnh của đồng tiền này. Từ 1985, Sàn giao dịch Liên Lục Địa (Intercontiniental Exchange, mã chứng khoán ICE), quản lý USDX, và từ đó các giao dịch liên quan đến USDX (DXY) được hình thành.
Giá trị của USD Index ban đầu được đặt là 100. Các giá trị về sau của USD Index được tính tương quan so với giá trị cơ sở này. Vì vậy, nếu chỉ số DXY = 80 có nghĩa là giá trị của nó chỉ còn 80% so với giá trị ban đầu của nó.
Trải qua lịch sử 43 năm, chỉ số DXY này đã thay đổi rất nhiều. Ngày 5/3/1985, con số này đã đạt mức đỉnh điểm đó là 163.83 - cao hơn 63.83 phần trăm so với ban đầu. Chỉ số thấp nhất rơi vào ngày 22/4/2008 đó là 71.58%, thấp hơn so với ban đầu thành lập là 28.42%.
Một vài giai đoạn tiêu biểu:
- (1): Chu kỳ đi lên của chỉ số DXY bắt đầu vào khoảng năm 1980, khi nền kinh tế thế giới thoát ra khỏi một trong những thập kỷ địa chính trị khắc nghiệt nhất của những năm 1970. Năm 1980 cũng chứng kiến giá vàng đạt đỉnh và là xu hướng giảm sau đó. Thông thường, vàng và đô la có tương quan tỷ lệ nghịch, và sự gia tăng của chỉ số DXY bắt đầu được thể hiện rõ ở thời điểm vàng đạt đỉnh. Từ năm 1980 đến năm 1985, chỉ số Đô la Mỹ đã tăng hơn 50% khi các nền kinh tế Mỹ Latinh bắt đầu vỡ nợ bằng đồng đô la của họ. Khi đồng tiền của các nền kinh tế Mỹ Latinh sụp đổ, đồng đô la Mỹ đã bắt đầu tăng giá.
- (2): Đợt phục hồi lớn thứ hai của chỉ số DXY bắt đầu vào khoảng năm 1994 khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Điều này cùng với sự phục hồi lớn của một số cổ phiếu công nghệ đã đưa đồng USD tăng giá suốt cho đến tận năm 2000. Tuy nhiên một lần nữa, đà tăng của đồng USD lại biến mất sau vụ phá sản công nghệ và vụ khủng bố 11/9 đã làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của đồng đô la. Cho đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chỉ số USD Index đã thực sự chạm mức thấp nhất lịch sử, và suy thoái lúc đó thực sự lan rộng trên toàn thế giới.
- (3): Giai đoạn này bắt đầu từ năm 2011 - 2012, chỉ số DXY bắt đầu tăng trở lại. Sự tăng giá của USD nhờ vào 2 yếu tố chính. Thứ nhất là vào năm 2011, hầu hết các nền kinh tế Nam Âu đều lâm vào tình trạng khó khăn do vay nợ quá mức. Mà tất cả các nền kinh tế này đều là một phần của đồng Euro, nên họ phải được bảo lãnh, dẫn đến sự suy yếu của đồng Euro và USD mạnh lên. Thứ hai, Fed lần đầu tiên đề cập đến việc giảm bớt việc mua trái phiếu của họ vào năm 2013 và bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2015. Sau đó vào năm 2016, giao dịch thương mại của Trump cũng dẫn đến việc đồng USD mạnh lên.
- (4): Năm 2022 đánh dấu thời điểm chỉ số DXY tăng rất mạnh. Lý do chính của việc này là lạm phát của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục. Để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tăng lãi suất. Mà lãi suất cao hơn thường giúp đồng tiền mạnh hơn. Bởi vì, khi USD có lãi cao thì các nhà đầu tư bắt đầu theo đuổi các khoản đầu tư bằng đồng tiền này để thu lợi nhiều hơn, khiến nhu cầu USD tăng mạnh, đẩy giá trị của đồng USD lên cao.
Xem chỉ số DXY ở đâu?
Bạn đã hiểu chỉ số DXY là gì, thì bước tiếp theo là tìm nơi để tra cứu dữ liệu này. Thực ra chỉ số DXY, hay USD Index rất phổ biến nên bạn có thể dễ dàng tra cứu ở bất cứ đâu. Giống như bất kỳ cặp tiền tệ nào, USD Index cũng có biểu đồ riêng.
Cách phổ biến nhất mình thường tra cứu là vào Tradingview, vào phần “Biểu đồ” hoặc “Chart” sau đó bấm vào phần tìm kiếm ở góc trái phía trên. Sau đó bạn tìm kiếm biểu đồ bằng cách nhập “DXY” vào phần thanh tìm kiếm.
Giống như các chỉ số khác, nhìn vào biến động giá chỉ số DXY có thể xác định xu hướng hiện tại của đồng USD. Bạn có hoàn toàn có thể sử dụng các trường phái phân tích như phân tích kỹ thuật vào phân tích chỉ số DXY để giao dịch trên thị trường.
Cách đọc chỉ số USD Index - DXY như thế nào?
Ở phần trên mình đã nhấn mạnh rằng chỉ số DXY ban đầu được mặc định là 100. Và chỉ số DXY ở các thời điểm sau đó được tính toán theo một công thức phức tạp (đã trình bày ở phần trên).
Tuy nhiên bạn không phải nhớ công thức đó làm gì.
Để đọc thông số của US Dollar Index, hay chỉ số DXY, bạn chỉ cần nắm được những thông tin sau:
- Thời gian tính: Chỉ số được tính 24h/ngày và 05 ngày/tuần, 286 ngày/năm,
- Giá trị cơ sở bắt đầu tính DXY: 100.00
Chỉ số DXY đo lường sự thay đổi từ mức tiêu chuẩn 100. Vậy nên sẽ có hai trường hợp, đó là DXY tăng hoặc DXY giảm. Cách đọc chỉ số DXY sẽ như sau:
Khi chỉ số DXY tăng: Ở thời điểm bạn đang xem biểu đồ USD Index, bạn nhìn thấy giá trị là 103.83 có nghĩa là USD Index đã tăng 3.83% kể từ khi chỉ số USD Index bắt đầu được tính. (100.00 -> 103.83)
Khi chỉ số DXY giảm: Ở thời điểm bạn đang xem biểu đồ USD Index, bạn nhìn thấy giá trị là 91.40 có nghĩa là USD Index đã giảm 8.6% kể từ khi chỉ số USD Index bắt đầu được tính. (100.00 -> 91.40)
Hãy nhìn vào biểu đồ DXY dưới đây để hiểu hơn về điều này:
Ở hình trên bạn đang thấy được giá chỉ số DXY hôm nay đang ở mức 99.267. Nghĩa là so với mức tiêu chuẩn 100 thì USD Index đã giảm 0.733%.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số DXY là gì?
Chỉ số DXY hay còn gọi là chỉ số US Dollar Index (USD Index) bị ảnh hưởng bởi cung và cầu đối của đồng USD và 6 loại tiền tệ liên quan.
Chính vì vậy, suy rộng ra thì những yếu tố ảnh hưởng đến cung/cầu của các đồng tiền trong rổ tính DXY đều sẽ ảnh hưởng đến chỉ số DXY, cụ thể:
Chính sách tiền tệ
Lấy ví dụ tại Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thực hiện các chính sách tiền tệ để tăng hoặc giảm lãi suất.
- Nếu FED hạ lãi suất hoặc thực hiện các biện pháp như mua trái phiếu, sẽ khuyến khích các nhà đầu tư vay tiền. Những đồng đô la đi vay đó cuối cùng sẽ được người tiêu dùng và các doanh nghiệp chi tiêu và kích thích nền kinh tế Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tiền tệ “dễ dãi” sẽ làm suy yếu đồng đô la, có thể dẫn đến mất giá. Khi nhiều tiền hơn được tạo ra, quy luật cung và cầu bắt đầu hoạt động, làm cho tiền hiện có trở nên ít giá trị hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thường tìm kiếm các khoản đầu tư có lãi suất cao nhất, nếu lãi suất giảm thì họ sẽ chuyển tiền ra khỏi Mỹ và tìm đến những nơi có lãi suất cao hơn => Nhu cầu về USD giảm.
- Nếu FED tăng lãi suất: thì nó sẽ vận hành ngược lại với điều trên. Lãi suất tăng sẽ kích thích gửi tiền vào ngân hàng hoặc nhu cầu về đô la Mỹ sẽ tăng cao hơn, khiến giá trị đồng USD được đẩy lên cao, và chỉ số DXY cũng tăng theo.
Bạn có thể tư duy tương tự với đồng tiền của các quốc gia khác theo cách này.
Tỷ lệ lạm phát
Có một mối quan hệ nghịch đảo giữa tỷ lệ lạm phát và giá trị của đồng tiền. Nói một cách đơn giản, thì lạm phát cao hơn sẽ làm tiền bị mất giá bởi chi phí hàng hóa và dịch vụ đang tăng lên.
Ví dụ giá hàng hóa ở Mỹ tăng lên, thì sẽ làm giảm nhu cầu đối với những sản phẩm của Mỹ, và người dân sẽ có xu hướng dùng hàng nhập khẩu nhiều hơn. Lúc này, hàng hóa nhập khẩu trở nên hấp dẫn, khiến giá trị các đồng tiền ngoại tệ tăng lên, còn USD bị mất giá. Từ đó sẽ khiến chỉ số DXY giảm theo.
Nhu cầu về tiền tệ
Tuy nhiên, khi tiền tệ của một quốc gia có nhu cầu lớn, thì đồng tiền đó vẫn mạnh bất kể quốc gia đó có chịu ảnh hưởng từ lãi suất hay lạm phát cao thế nào. Một trong những cách mà tiền tệ duy trì được nhu cầu là nếu quốc gia đó xuất khẩu các sản phẩm mà các quốc gia khác muốn mua và yêu cầu thanh toán bằng đồng tiền của mình. Mặc dù Mỹ không xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, nhưng họ đã tìm ra một cách khác để tạo ra nhu cầu giả tạo đối với đô la Mỹ.
Đô la Mỹ được biết đến như một loại tiền tệ dự trữ . Các loại tiền tệ dự trữ được các quốc gia trên thế giới sử dụng để mua các hàng hóa mong muốn, chẳng hạn như dầu và vàng. Khi người bán những mặt hàng này yêu cầu thanh toán bằng đồng tiền dự trữ, cụ thể là USD, một nhu cầu giả đối với USD sẽ được tạo ra, giữ cho nó luôn có giá trị mạnh hơn các đồng tiền khác.
Tăng trưởng kinh tế
Các nền kinh tế mạnh có xu hướng có tiền tệ mạnh. Các nền kinh tế yếu có xu hướng có đồng tiền yếu.
- Khi nền kinh tế phát triển và tăng trưởng mạnh sẽ khiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao, làm nhu cầu về tiền của đất nước này sẽ lớn, thúc đẩy giá trị đồng tiền đó tăng lên.
- Tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ khiến các nhà đầu tư lấy tiền của họ đi nơi khác đầu tư, từ đó có thể làm suy yếu tiền tệ của quốc gia đó.
Chỉ số DXY ảnh hưởng đến thị trường như thế nào?
Chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) theo dõi giá trị của đô la Mỹ so với một rổ tiền tệ thế giới quan trọng. Nếu chỉ số này đang tăng, điều đó có nghĩa là đồng đô la đang mạnh lên so với rổ - và ngược lại.
Chính vì vậy, DXY là chỉ số đáng tin cậy về giá trị của USD trên thị trường toàn cầu. Dựa vào DXY, nhà đầu tư có thể đưa ra các dự đoán về xu hướng của thị trường, từ đó đưa ra được quyết định đầu tư phù hợp.
Ảnh hướng của DXY đến thị trường Forex
Đối với những nhà đầu tư Forex, thì việc quan sát biến động của chỉ số DXY là vô cùng quan trọng. Chúng ta đều biết USD là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thị trường Forex. Hầu hết các cặp tiền tệ và hàng hóa được giao dịch rộng rãi đều có mặt của đồng USD như: EUR/USD, USD/CHF, GBP/USD, USD/JPY, USD/CAD…
- Nếu USD nằm ở vị trí là một đồng tiền yết giá (giá mới nhất của đồng tiền đó): chỉ số DXY và giá của cặp tiền đó khả năng cao là sẽ di chuyển cùng hướng.
- Nếu USD nằm ở vị trí là một đồng tiền định giá (giá có sẵn trước đó): Chỉ số DXY và cặp tiền đó khả năng cao là sẽ di chuyển ngược nhau.
(Ví dụ: như trong cặp tỉ giá USD/EUR, thì đồng euro (EUR) được coi là đồng tiền định giá, còn USD là đồng tiền yết giá).
Khi chỉ số DXY cho thấy xu hướng tăng rõ rệt báo hiệu sức mạnh của đồng đô la thì nên tìm kiếm các cơ hội vào vị thế mua USD. Ngược lại, khi chỉ số DXY cho thấy xu hướng giảm, bạn nên tìm các cơ hội để bán USD.
Tuy nhiên khó ai có thể dự đoán trước biến động của chỉ số DXY sẽ ra sao để giao dịch Forex cho hiệu quả. Chính vì thế, bạn cần kết hợp một số kỹ năng về phân tích kỹ thuật, những ngưỡng kháng cự - hỗ trợ vv..vv…, để có được quyết định đầu tư chính xác nhất.
Ảnh hướng của DXY đến thị trường chứng khoán
Mặc dù tiền tệ của Việt Nam không nằm trong rổ tính chỉ số DXY, tuy nhiên việc USD tăng giá trị (tức là chỉ số DXY tăng) có ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành nghề, doanh nghiệp theo mức độ khác nhau.
Những cổ phiếu được hưởng lợi khi USD tăng giá:
- Đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng đến nhiều cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu của những doanh nghiệp thanh toán bằng đồng USD. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, hàng giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ hiện đang là nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Chính vì vậy, cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi (Ví dụ: MSH, GIL, PTB, FMC, VHC, MPC…)
- Các doanh nghiệp khu công nghiệp có lợi thế về thu hút dòng vốn FDI, giá cho thuê sẽ được hưởng lợi khi đồng USD tăng. (Ví dụ: KBC, BCM, VGC).
- Các doanh nghiệp vay nợ bằng những đồng tiền khác trong rổ tính DXY, ví dụ như JPY - Yên Nhật. Bởi USD tăng giá thì những đồng tiền này sẽ mất giá trị hơn so với USD. Một số cổ phiếu của các doanh nghiệp vay nợ nhiều: ACV, GE2, PHP, TMS…
Những cổ phiếu bị ảnh hưởng khi USD tăng giá:
- Những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường Mỹ sẽ gặp bất lợi nhiều vì giá USD tăng cao. Tập trung chủ yếu ở các ngành: vật liệu dẻo, hóa chất, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm…
- Cổ phiếu của các doanh nghiệp nội địa đang bị cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Nhật, châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào, bởi giá vốn hàng hóa từ khu vực này sẽ rẻ hơn.
- Cổ phiếu của các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD cao trên tổng tài sản. Việc vay nợ USD sẽ khiến họ chịu lỗ tỷ giá, từ đó làm tăng chi phí tài chính và làm lợi nhuận sau thuế giảm.
Ảnh hướng của DXY đến thị trường Coin
Bitcoin là đồng tiền leader của thị trường tiền điện tử, nên hầu hết các altcoin sẽ biến động theo nó. Vì vậy hãy thử xem xét lịch sử biến động của Bitcoin và USD Index qua hình ảnh bên dưới đây:
- Từ năm 2017 - 2018, chúng ta đã thấy Bitcoin tăng theo hình parabol và đồng đô la Mỹ giảm.
- Từ những năm 2018 - 2020, Bitcoin thực hiện các chu kỳ giảm giá và tăng giá nhỏ, trong khi đồng đô la Mỹ vẫn tăng ổn định.
- Thời điểm COVID-19 năm 2020 đã khiến đồng USD tăng nhanh đến mức khó tin, trong khi giá Bitcoin giảm hàng loạt.
- Từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị USD tăng lên rất mạnh, chỉ số DXY vượt mức cao nhất trong 20 năm, trong khi Bitcoin vẫn duy trì một xu hướng giảm.
=> Có thể thấy, Bitcoin và USD Index chủ yếu là biến động ngược chiều nhau. chính vì vậy, DXY tăng giá sẽ là tín hiệu xấu cho thị trường.
Điều này có thể lý giải rằng: Bitcoin được ra đời như một hàng rào bảo vệ lạm phát USD.
- Khi đồng USD mất giá (lạm phát cao), thì nhu cầu về Bitcoin sẽ lớn và ngược lại.
- Khi đồng USD tăng giá, nhiều người muốn bán Bitcoin để đổi lấy USD.
Ảnh hưởng của DXY đến thị trường Vàng
Vàng và đồng USD được coi là tiền tệ toàn cầu. Nhiều ngân hàng nước ngoài giữ đô la như một loại tiền tệ dự trữ, hoặc đầu tư nhiều hơn vào vàng để bảo toàn tài sản của họ trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động.
- Khi USD suy yếu, các ngân hàng cũng như các nhà đầu tư trên khắp thế giới mua nhiều vàng hơn để bảo vệ tiền của họ và phòng ngừa trước sự suy yếu của đô la Mỹ.
- Khi USD mạnh lên, ngày càng nhiều nhà đầu tư và ngân hàng lựa chọn bán vàng để đổi lấy USD. Do nhu cầu giảm nên giá trị của vàng mất giá.
=> Thị trường Vàng thường biến động ngược với chỉ số DXY (USD Index).
Tuy nhiên, mối tương quan giữa giá vàng và chỉ số DXY thường không thể hiện rõ rệt như vậy, còn có nhiều yếu tố bên ngoài khác cũng tác động đến giá vàng. Chẳng hạn như trong thời kỳ chiến tranh, một số người có thể mua nhiều vàng hơn để giữ giá trị, trong khi những người khác lại nghĩ rằng mua USD là cách an toàn hơn. Thế nên, tùy theo từng trường hợp và từng bối cảnh thị trường mà tác động của chỉ số DXY lên giá vàng rất khác nhau.
Trên đây là những chia sẻ của chúng mình về chỉ số DXY là gì, cách tính chỉ số DXY và phân tích ảnh hưởng của chỉ số DXY - sức mạnh đồng đô la Mỹ tới một số thị trường đầu tư. Mong rằng qua bài viết, bạn đã hiểu được về DXY (USD Index) để có thể vận dụng nó vào phân tích và đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắng. Nếu bạn còn thắc mắc gì hãy để lại dưới phần bình luận để chúng mình giải đáp. Cảm ơn bạn đã đọc bài và chúc bạn đầu tư thành công.