Thản nhiên mua - bán video riêng tư nhạy cảm
Chỉ cần gõ từ khoá “hack cam” trên ứng dụng Telegram, hàng chục nhóm chuyên chia sẻ các video clip nhạy cảm được hack từ camera của các gia đình, khách sạn, nhà vệ sinh.
Kèm theo đó là tin nhắn thông tin chủ tài khoản quản lý để các thành viên trong nhóm liên hệ nạp tiền đăng ký vào các nhóm ẩn hay còn gọi là “Nhóm VIP”.
Hầu hết nhóm này đều quảng cáo “thành tích” hack của mình với những lời lẽ gây tò mò như: “Để đáp ứng nhu cầu của anh em, hiện bên mình có nhóm với hơn 400 QR Cam và còn cập nhật thường xuyên với giá cả hợp lý. Phần mềm quét liên tục từ Nam ra Bắc, mọi ngóc ngách.
Từ nhà vệ sinh, ghế sofa, phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, khách sạn... với những hình ảnh chân thực, đảm bảo không làm khách hàng thất vọng”. Cùng với bài viết quảng cáo, các nhóm này thường để đường dẫn vào tài khoản liên hệ “mua vé” sở hữu việc xem các clip từ việc hack camera nói trên.
Các hacker đưa ra 3 gói để khách hàng lựa chọn. Với gói “siêu VIP”, khách hàng sẽ phải bỏ ra 800 nghìn đồng để được duyệt vào nhóm kín xem trực tiếp từ hàng trăm camera của các phòng ngủ, thay đồ, nhà vệ sinh, spa, massage. Đặc biệt là được cấp tài khoản ID để xem phát trực tiếp từ hàng trăm camera.
Gói thứ 2 có giá 500 nghìn đồng, theo quảng cáo khách hàng được xem toàn bộ video hack từ camera, cập nhật hàng ngày, hình ảnh chất lượng cao. Gói thấp nhất là gói mini, khách hàng chỉ cần đóng 150 nghìn đồng để được thêm vào nhóm trải nghiệm với hơn 1 nghìn video, hình ảnh ngẫu nhiên, chất lượng kém, cắt cúp không hoàn chỉnh.
Nếu chọn gói 2 và 3, khách hàng chỉ cần vào nhóm là xem video, còn nếu vào nhóm siêu VIP sẽ cần tải ứng dụng của một hãng camera nổi tiếng, sau đó quét QR code để xem trực tiếp video từ camera đang ghi hình.
Điều đáng nói, trong các nhóm kín này, thành viên tỏ ra hào hứng và bàn luận sôi nổi với những lời lẽ thô tục về những video mà họ cho là “đáng đồng tiền bát gạo”.
Được biết, sau khi chuyển tiền qua 1 tài khoản ngân hàng, khách hàng sẽ được hacker thêm vào 1 nhóm riêng tư có tên “nhóm VIP hack camera”. Thành viên trong nhóm sẽ được hướng dẫn lưu mã code về máy và tải ứng dụng Hik Connect để quét mã code sau đó xem trực tiếp camera từ các gia đình.
Chính vì kiếm tiền dễ dàng nên nhiều hacker đã không từ thủ đoạn nào để hack những đoạn clip riêng tư rao bán cho khách hàng có tính tò mò.
Có thể bị phạt tù với hành vi rao bán dữ liệu camera
Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, đây là phương thức tấn công từ xa của đối tượng tội phạm mạng, chúng khai thác lỗ hổng bảo mật của camera chiếm quyền quản trị và khai thác dữ liệu trái phép, kiếm tiền từ sự riêng tư của người khác.
Đã có rất nhiều nạn nhân bị lấy cắp hình nhạy cảm vì camera không được bảo mật tốt. Thậm chí, nhiều người bị xâm nhập camera nhưng hoàn toàn không biết cho đến khi video bị phát tán...
Camera được xem là “cánh tay đắc lực” trong việc giám sát, nó có thể có tác dụng ngược lại nếu người dân chủ quan và thiếu bảo mật đối với camera. Do đó việc trang bị kiến thức bảo mật để bảo vệ bản thân là thực sự cần thiết.
Ngoài ra, khi lắp đặt camera an ninh, mọi người cần tìm hiểu và lựa chọn công ty lắp đặt camera uy tín, dịch vụ tốt và chuyên nghiệp như có trụ sở công ty, mã số thuế, quy trình công khai minh bạch; nên ưu tiên lựa chọn camera chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ của các thương hiệu sản xuất uy tín. Lưu ý, không nên lắp camera quan sát ở khu vực nhạy cảm, riêng tư…
Theo khoản 30 điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, hành vi rao bán dữ liệu camera bị phạt từ 40 - 60 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục là buộc hủy bỏ các thông tin trái phép.
Người rao bán dữ liệu camera còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, theo điều 289 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt từ phạt tiền 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù 1-12 năm.
Với chủ nhân các video bị hack đã bị ảnh hưởng xấu đến uy tín, nhân phẩm và danh dự nên có quyền yêu cầu người rao bán camera phải hủy bỏ dữ liệu, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Còn những người mua video nhạy cảm có nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi khi click vào đường link lạ có thể dẫn đến việc tải xuống phần mềm độc hại hoặc virus vào thiết bị của người dùng.
Điều này có thể gây hại đến dữ liệu cá nhân, thiết bị hoặc thậm chí đánh cắp thông tin nhạy cảm như tên đăng nhập, mật khẩu ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng.
Khánh Vân
Báo Lao động Xã hội số 58