Trong thời kỳ kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay thì khái niệm tỷ giá hối đoái được nhắc đến rộng rãi bởi nhu cầu xuất nhập khẩu và trao đổi tiền tệ giữa các nước rất lớn. Cùng TOPI tìm hiểu về tỷ giá hối đoái là gì và tính như thế nào nhé.
1. Tỷ giá hối đoái là gì?
Tỷ giá hối đoái (Exchange rate) còn gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ, đôi khi được gọi tắt là tỷ giá. Đây là tỷ lệ trao đổi đồng tiền của 2 quốc gia, nói lên giá trị của đồng tiền nước này so với đồng tiền nước khác
Tỷ giá hối đoái được hình thành dựa trên cơ sở cung cầu ngoại tệ, do Nhà nước điều tiết và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định. Cách đọc tỷ giá như sau: Đồng tiền đứng trước là đồng tiền yết giá, đồng tiền đứng sau là đồng tiền định giá.
Tỷ giá hối đoái là số tiền của nước này bỏ ra để mua 1 đồng tiền nước khác
Ví dụ: Tỷ giá USD/VND = 23.585 tức là 1 USD = 23.585 VNĐ hay phải dùng 23.585 VNĐ để đổi lấy 1 USD. Trong đó USD là đồng tiền yết giá, VNĐ là đồng tiền định giá.
2. Phân loại tỷ giá hối đoái
2.1 Căn cứ vào giá trị tỷ giá
Dựa vào giá trị có thể chia thành tỷ giá danh nghĩa (tỷ giá tính theo giá hiện tại, không tính đến lạm phát) và tỷ giá thực (có yếu tố lạm phát và sức mua). Tỷ giá thực, phản ánh giá cả hàng hóa tương quan có thể bán ra nước ngoài và hàng tiêu thụ trong nước. Tỷ giá thực thể hiện khả năng cạnh tranh của một quốc gia.
2.2 Dựa vào phương thức chuyển ngoại hối
Chia làm 2 loại: Tỷ giá thư hối (Là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư) và tỷ giá điện hối (Là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng điện).
Tỷ giá này thường được niêm yết tại ngân hàng và là tỷ giá cơ sở để xác định các loại tỷ giá khác
Có nhiều tiêu chí để phân loại tỷ giá trao đổi ngoại tệ
2.3 Dựa vào thời điểm giao dịch ngoại hối
Có thể chia ra thành tỷ giá mua (Là tỷ giá ngân hàng mua ngoại hối) và tỷ giá bán (Là tỷ giá ngân hàng bán ngoại hối ra).
2.4 Căn cứ vào kỳ hạn thanh toán
Dựa vào kỳ hạn thanh toán chia thành tỷ giá giao dịch kỳ hạn - FORWARDS (do tổ chức tín dụng tính toán và thỏa thuận với nhau) và tỷ giá giao ngay - SPOT (do tổ chức tín dụng yết giá).
2.5 Dựa vào đối tượng xác định tỷ giá
Theo tiêu chí này, có thể phân loại thành: Tỷ giá thị trường (hình thành dựa trên quan hệ cung cầu) và tỷ giá chính thức (do Ngân hàng trung ương quốc gia xác định). Trên cơ sở của tỷ giá này các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ ấn định tỷ giá mua bán ngoại tệ giao ngay, có kỳ hạn, hoán đổi.
Tỷ giá chính thức do ngân hàng Nhà nước xác định
Ngoài ra còn có các loại tỷ giá như:
Tỷ giá song phương (Bilateral Exchange Rate): Đây là giá của một đồng tiền nước này so với đồng tiền nước khác, không đề cập đến yếu tố lạm phát.
Tỷ giá hiệu dụng (NEER - Nominal Efective Exchange rate) hay còn gọi là tỷ giá danh nghĩa đa phương / tỷ giá danh nghĩa hiệu dụng. Đây là chỉ số trung bình của một tiền tệ này so với tiền tệ nước khác. NEER > 1 thì đồng tiền đó giảm giá đối với tất cả đồng tiền còn lại, nếu NEER < 1 thì đồng tiền đó lên giá so với đồng tiền của các nước khacs.
3. Các chế độ tỷ giá hối đoái
Tỷ giá trao đổi ngoại tệ ở mỗi quốc gia và mỗi thời điểm là khác nhau. Đây là công cụ để Nhà nước quản lý đồng tiền và thị trường ngoại hối.
3.1 Tỷ giá hối đoái thả nổi
Tỷ giá thả nổi (tỷ giá linh hoạt) nghĩa là giá trị của một đồng tiền được phép dao động linh hoạt trên thị trường ngoại hối. Theo các nhà kinh tế học, việc áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi sẽ tốt hơn so với tỷ giá cố định bởi sẽ làm giảm tác động của các cú sốc và chu kỳ kinh doanh nước ngoài. Đồng tiền áp dụng dụng tỷ giá thả nổi được gọi là một đồng tiền thả nổi.
Chế độ tỷ giá là công cụ quản lý đồng tiền của một quốc gia
3.2 Tỷ giá hối đoái cố định
Tỷ giá cố định (tỷ giá neo) nghĩa là giá trị của một đồng tiền được gắn với giá trị của một đồng tiền khác hoặc lấy một giá trị khác (vàng, bạc, kim cương…) làm thước đo. Khi giá trị tham khảo biến động thì tỷ giá cũng biến động theo. Đồng tiền áp dụng tỷ giá hối đoái cố định gọi là đồng tiền cố định.
3.3 Tỷ giá hối đoái thả nổi có điều tiết
Đây là loại tỷ giá trung gian giữa thả nổi và cố định. Trong thực tế rất ít quốc gia áp dụng tỷ giá trao đổi ngoại tệ cố định và cũng không có đồng tiền nào được thả nổi hoàn toàn, vì nó quá bất ổn định. Hầu hết các quốc gia sẽ áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi có sự can thiệp, điều tiết của Chính phủ.
4. Cách xác định tỷ giá hối đoái
Tỷ giá phụ thuộc vào cung cầu thị trường về một loại tiền tệ
Bản chất tỷ giá là giá cả của một đơn vị tiền tệ và nó phụ thuộc vào cung/cầu về đồng tiền đó trên thị trường. Khi cung cầu thay đổi sẽ dẫn đến tỷ giá thay đổi. Có nhiều phương pháp xác định tỷ giá trao đổi ngoại tệ, phụ thuộc vào mục đích kinh doanh và sự phát triển của thị trường tiền tệ, hàng hóa, dịch vụ.
Nếu xác định đúng tỷ giá, các nhà kinh doanh có thể xây dựng phương án kinh doanh có lợi nhất. Có 2 phương pháp xác định Exchange ratei:
Dựa trên cơ sở ngang giá vàng (Gold parity): So sánh hàm lượng vàng giữa hai đồng tiền với nhau.
Dựa trên cơ sở cân bằng sức mua (Purchasing Power Parity): So sánh sức mua giữa hai đồng tiền yết giá và định giá, so sánh giá cả hàng hoá, dịch vụ, xây dựng phương án kinh doanh xuất nhập khẩu, các nghiệp vụ hải quan,
5. Công thức tính tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái được tính dựa trên đồng tiền yết giá và định giá
Tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền định giá: Nếu mọi người có nhu cầu mua bán ngoại tệ, cần nắm được cách tính tỷ giá. Để tính tỷ giá mua của khách thì lấy tỷ giá bán của ngân hàng chia cho tỷ giá mua của ngân hàng. Muốn tính tỷ giá bán của khách thì lấy tỷ giá mua ngân hàng chia cho tỷ giá bán của ngân hàng.
Yết giá / định giá = (Yết giá / USD) / (Định giá / USD)
Tính tỷ giá giữa 2 đồng tiền yết giá: Để tính tỷ giá mua của khách hàng lấy tỷ giá bán của ngân hàng chia cho tỷ giá mua của ngân hàng và chia cho tỷ giá bán của ngân hàng.
Yết giá / định giá = (USD / định giá) / (USD / yết giá)
Công thức tính tỷ giá giữa hai đồng tiền yết giá và định giá: Khi tính tỷ giá chéo giữa 2 đồng thì bắt buộc 1 đồng tiền phải ở vị trí định giá, đồng còn lại ở vị trí yết giá sau đó lấy tỷ giá của đồng tiền yết giá nhân với tỷ giá của đồng tiền định giá:
Yết giá / định giá = (Yết giá / USD) x (USD / định giá)
6. Vai trò của tỷ giá hối đoái tới nền kinh tế
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tỷ giá trao đổi ngoại tệ có vai trò rất quan trọng. Nếu đồng nội tệ mất giá (tỷ giá tăng) sẽ kéo theo giá hàng hóa rẻ hơn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu.
Khi hoạt động xuất khẩu tăng lên thì sẽ thu về nhiều ngoại tệ, từ đó cải thiện cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế.
Tỷ giá hối đoái cũng tác động trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, có hoạt động xuất nhập khẩu hoặc có nợ vay bằng đồng ngoại tệ. Nếu tỷ giá biến động tăng có thể phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại dư nợ gốc ngoại tệ.
Tỷ giá liên quan mật thiết với hoạt động xuất nhập khẩu
7. Các yếu tố ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái
7.1 Yếu tố thương mại
Tình hình tăng trưởng kinh tế sẽ tác động đến tỷ giá. Khi sản phẩm xuất khẩu tăng giá nhiều hơn tốc độ tăng giá sản phẩm nhập khẩu sẽ dẫn đến tỷ lệ trao đổi thương mại tăng, điều này khiến cho giá trị đồng nội tệ tăng theo (tỷ giá hối đoái giảm).
Ngược lại, khi tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu thì cán cân thương mại giảm, nội tệ mất giá (tỷ giá tăng). Nói cách khác, cán cân thanh toán quốc tế cao thì ngoại tệ tăng, nội tệ giảm khiến cho tỷ giá hối đoái tăng.
7.2 Yếu tố lạm phát
Lạm phát là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ giá. Nếu tỷ lệ lạm phát trong nước thấp hơn nước ngoài thì Exchange rate sẽ giảm và giá trị nội tệ tăng lên. Điều này đúng cả ở hướng ngược lại..
Lạm phát tác động đến cung cầu ngoại tệ từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá
7.3 Yếu tố thu nhập của quốc gia
Thu nhập của mỗi quốc gia ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá. Khi thu nhập tăng lên, người dân sẽ muốn mua hàng nhập khẩu nhiều hơn dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng, tỷ giá tăng.
Xét về tác động gián tiếp, khi người dân có thu nhập cao sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn làm cho tỷ lệ lạm phát cao, tỷ giá hối đoái tăng lên và ngược lại.
7.4 Yếu tố lãi suất
Lãi suất ảnh hưởng một phần đến các hoạt động đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến Exchange rate. Nếu lãi suất nội địa cao hơn nước ngoài thì sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường trong nước hoặc gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng, điều này giúp nguồn cung ngoại tệ trong nước tăng lên, tỷ giá cũng tăng.
8. Mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái với xuất nhập khẩu
Tỷ giá có liên quan chặt chẽ với hoạt động xuất nhập khẩu
Khi tỷ giá giữa ngoại tệ so với nội tệ tăng (đồng nội tệ giảm giá) đồng nghĩa với giá sản phẩm trong nước giảm, có lợi cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, lúc này giá sản phẩm quốc tế trên thị trường nội địa tăng lên khiến cho nhu cầu giảm đi, từ đó hạn chế nhập khẩu.
Ngược lại, nếu tỷ giá giữa ngoại tệ so với nội tệ giảm, tức là đồng nội tệ tăng giá thì lúc này hoạt động xuất khẩu bị hạn chế và nhập khẩu gia tăng.
Hy vọng những kiến thức trên có thể giúp các bạn hiểu được tỷ giá hối đoái là gì, vai trò của tỷ giá trong nền kinh tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và vận dụng vào hoạt động đầu tư và kinh doanh một cách hiệu quả. Hãy theo dõi TOPI mỗi ngày để biết thêm những kiến thức mới nhé.