Trong hoạt động liên quan đến cổ phiếu của doanh nghiệp, bên cạnh cổ tức, với 2 hình thức là cổ tức bằng tiền và cổ tức bằng cổ phiếu thì còn có cổ phiếu theo chương trình dành cho cán bộ nhân viên (cổ phiếu ESOP). ESOP là viết tắt của Employee Stock Ownership Plan có nghĩa là kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhân viên. Phát hành cổ phiếu ESOP được nhiều doanh nghiệp sử dụng nếu có nhu cầu gia tăng sự gắn bó của cán bộ nhân viên. Đồng thời, đây cũng là hình thức tăng vốn có nhiều điểm lợi khác nhau.
I. Lợi ích của phát hành cổ phiếu ESOP
1.1 Giữ chân nhân viên
Cổ phiếu ESOP là hình thức phát hành cổ phiếu cho nhân viên. Các chương trình ESOP thường phát hành cổ phiếu với mức mệnh giá (10.000 vnd/cổ phiếu) hoặc thậm chí là 0 đồng. Về bản chất, doanh nghiệp chia tách số cổ phiếu đang có, tăng thêm số lượng cổ phiếu và dành nó cho cán bộ nhân viên trong công ty. Các cổ phiếu dạng này trước đây không có hạn chế. Dần dần, có thêm các hạn chế như chỉ cho phép giao dịch một nửa trong vòng 2 năm, sau 3 năm mới được bán hết số cổ phiếu esop. Việc làm này theo như nhiều đơn vị giúp tăng mức độ trung thành của nhân viên, tạo điều kiện gắn bó lâu dài cho tập thể.
1.2 Có lợi về mặt thuế thu nhập cá nhân
Thay vì trả bằng tiền mặt thì các công ty phát hành ESOP trả thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu. Việc không phải trả bằng tiền mặt giúp các doanh nghiệp không phải trả khoản thuế thu nhập cá nhân liên quan đến tiền thưởng. Người lao động khi nhận thưởng bằng chương trình ESOP cũng không cần phải nộp khoản phí nào ngoại trừ thuế giao dịch 0,1% giao dịch khi tới thời điểm muốn bán cổ phiếu.
II. Điểm yếu của phát hành cổ phiếu ESOP
2.1 Ảnh hưởng quyền lợi của cổ đông hiện hữu
Đối với các cổ đông hiện hữu, việc phát hành ESOP sẽ làm pha loãng lượng cổ phiếu đang có trên thị trường của doanh nghiệp. Từ đó giá trị cổ phiếu mà các cổ đông hiện hữu đang nắm giữ sẽ bị ảnh hưởng. Lợi nhuận trên mỗi một cổ phiếu sẽ bị giảm đi
Ví dụ: Một công ty có 100 triệu cổ phiếu đang phát hành trên thị trường, với lợi nhuận sau thuế hiện đang là 1050 đồng. Nếu như công ty ESOP 5% lượng cổ phiếu thì lợi nhuận sau thuế của mỗi cổ phiếu sẽ tụt xuống còn 1000 đồng.
2.2 Hiệu quả giữ chân nhân viên chưa tối ưu
Đối với các doanh nghiệp, thường sẽ có chính sách phân phối ESOP dựa theo vị trí, chức danh công việc. Như vậy các nhân viên có vị trí cao sẽ có được quyền lợi được chia nhiều cổ phiếu ESOP hơn. Điều này tạo ra sự mất cân bằng trong việc chia cổ phiếu. Đã từng có trường hợp, khi một công ty chia cổ phiếu theo chương trình ESOP thì người hưởng duy nhất là ban lãnh đạo công ty. Điều này vô tình làm hạn chế hiệu quả của việc giữ chân nhân viên. Ngoài ra, vì khi phát hành ESOP, cổ phiếu có giá trị bằng mệnh giá hoặc thậm chí là 0 đồng sẽ khiến cán bộ nhân viên mua sẽ bán ngay khi hết thời gian hạn chế.
2.3 Ảnh hưởng dài hạn đến bức tranh sức khỏe tài chính của doanh nghiệp
Với lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS, giai đoạn 2 bắt buộc áp dụng đối với các doanh nghiệp niêm yết sẽ bắt đầu từ năm 2025. Khi điều này diễn ra, các hoạt động phát hành thêm cổ phiếu ESOP cũng sẽ được tính vào chi phí trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp thường phát hành cổ phiếu theo dạng ESOP chiếm tỷ lệ cao trong doanh thu, đây thực sự là một thử thách lớn cho bức tranh tài chính của doanh nghiệp
Có thể thấy phát hành ESOP là 1 hình thức có phần có lợi cho nhân viên và doanh nghiệp. Tuy nhiên đó là những phần lợi ngắn hạn, đặc biệt với quyền lợi gắn bó của nhân viên. Nếu so với stock option cũng liên quan đến quyền cổ phiếu thì ESOP còn nhiều điểm hạn chế để giữ chân nhân viên. Có thể trong tương lai khi chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS được đưa vào với các công ty niêm yết tại Việt Nam ESOP sẽ dần dần hiếm xuất hiện hơn.