Nhượng quyền thương hiệu là một chiến lược phát triển hỗn hợp bao gồm marketing, phân phối và kinh doanh. Trong đó, tổ chức sở hữu thương hiệu (bên nhượng quyền) cấp phép cho cá nhân hoặc doanh nghiệp (bên nhận quyền) quyền kinh doanh, dựa trên tài sản trí tuệ. Mục tiêu nhượng quyền thương hiệu là giúp phát triển nhận diện thương hiệu và gia tăng về tài chính giữa hai bên.
Mô hình nhượng quyền thương hiệu - Vũ Agency
Theo Hiệp hội nhượng quyền quốc tế (International Franchising Association - IFA) ước tính có khoảng 120 ngành đang hoạt động trong lĩnh vực cấp phép nhượng quyền, mô hình này được dự báo sẽ ngày càng phát triển, IFA ước tính có hơn 26.000 địa điểm nhượng quyền sẽ được bổ sung vào trong năm 2021, giúp bù đắp khoảng trống của năm 2020. Nó cũng dự báo việc làm của nhượng quyền thương mại toàn cầu sẽ tăng hơn 10% lên gần 8,3 triệu người lao động. Trong đó có 800.000 việc làm mới, đa phần sẽ hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và dịch vụ.
Nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, có một nhận thức chung đã hình thành rằng dịch bệnh sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế. Chắc chắn một số ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, nhưng nhượng quyền thương mại lại là một hoạt động bị miễn nhiễm, không thu hẹp tệp khách hàng, đa phần những doanh nghiệp sử dụng chiến lược này đều tập trung vào dịch vụ bán lẻ, thực phẩm và “thiết yếu”. Trong một buổi hội thảo trực tuyến về chủ đề này, Vũ nhận thấy các nhà đầu tư vẫn rất lạc quan và hứng thú.
Dưới góc độ pháp lý, nhượng quyền thương mại là một loại giấy phép do tổ chức này cấp cho một cá nhân/ doanh nghiệp khác. Tuy nhiên về cốt lõi, nhượng quyền thương mại thực sự là mối quan hệ giữa con người với con người.
Ý nghĩa của từ nhượng quyền thương hiệu
Nguồn gốc của từ nhượng quyền thương hiệu.
Từ Franchise có nguồn gốc tiếng Pháp “france”, nghĩa là “freedom” (tự do)hay “privilege” (đặc quyền). Do cách chuyển ngữ từ trước, chiến lược này thường được dịch “nhượng quyền kinh doanh” hay “nhượng quyền thương mại”, nhiều nguồn trên internet vẫn sử dụng từ nguyên gốc Franchise, tuy nhiên một số không chú ý đến sự khác biệt giữa hai từ Franchise và Franchising.
Phân biệt Franchise và Franchising
Mặc dù cả hai từ Franchise và Franchising đều là danh từ, nhưng ý nghĩa của hai từ này hoàn toàn khác nhau.
- Franchise: là một sự cấp phép (địa điểm, đơn vị kinh doanh theo hình thức nhượng quyền)
- Franchising: là một loại hình hoạt động kinh doanh nhượng quyền.
Trong bài chia sẻ này, từ nhượng quyền thương hiệu xin phép được thay thế, gọi chung cho hai từ Franchise và Franchising, bao gồm “sự cấp phép” và “loại hình hoạt động kinh doanh nhượng quyền”, do thuật ngữ “nhượng quyền thương hiệu” phổ biến hơn.
Những hình thức nhượng quyền thương hiệu
5 hình thức nhượng quyền thương hiệu
Nhượng quyền công việc
Đây là hình thức nhượng quyền với vốn đầu tư thấp, bên nhận quyền thường là một cá nhân tại những địa phương, muốn bắt đầu công việc kinh doanh và điều hành doanh nghiệp một mình. Bên nhận quyền sẽ phải mua một số trang thiết bị, sản phẩm, phương tiện…với mục tiêu đáp ứng hoàn thành tốt công việc. Một số dịch vụ thuộc nhóm này bao gồm: đại lý vé máy bay, địa lý du lịch, xe bán cà phê, dịch vụ sửa chữa máy lạnh, vệ sinh, sửa chữa lắp đặt, bất động sản, vận chuyển, tổ chức sự kiện hoặc các khu vui chơi dành cho trẻ em.
Nhượng quyền sản phẩm (hoặc phân phối sản phẩm)
Hình thức nhượng quyền này dựa trên nền tảng sản phẩm, được tạo dựng trên mối quan hệ giữa nhà sản xuất và đại lý phân phối. Tại hình thức này, bên nhận quyền phân phối các sản phẩm của bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền cấp phép nhãn hiệu của mình, nhưng không cung cấp toàn bộ (chỉ cung cấp một phần), hướng dẫn hệ thống kinh doanh, vận hành doanh nghiệp. Hình thức này sử dụng chủ yếu tại những ngành hàng/ sản phẩm lớn, như ô tô, phụ tùng sửa chữa ô tô, máy bán hàng tự động, máy vi tính, xe đạp, xe máy, các thiết bị gia dụng… Nhượng quyền sản phẩm tại ngành bán lẻ chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng doanh thu của doanh nghiệp nhượng quyền. Đôi khi bên nhượng quyền cấp giấy phép một giai đoạn của quá trình sản xuất cho bên nhận quyền, tương tự như trường hợp của thương hiệu sản xuất nước giải khát Coca-cola và Pepsi.
Nhượng quyền mô hình kinh doanh
Bên nhận quyền mô hình kinh doanh được sử dụng thương hiệu của bên nhượng quyền, điểm khác biệt và quan trọng trong mô hình này là bên nhận quyền được đầu tư, hướng dẫn vận hành, marketing sản phẩm hoặc dịch vụ. Tại hình thức này, bên nhượng quyền đã thiết lập và cung cấp một kế hoạch và quy trình thực hiện chi tiết về mọi hoạt động, cung cấp việc đào tạo, chuyển giao và hỗ trợ liên tục với mục tiêu kiểm soát chất lượng tốt nhất. Hình thức nhượng quyền mô hình kinh doanh là hình thức nhượng quyền phổ biến nhất trong tất cả các hình thức nhượng quyền thương mại, phổ biến là cửa hàng thức ăn nhanh, cà phê, trà sữa, bán lẻ, nhà hàng, phòng tập thể hình và nhiều lĩnh vực khác…
Nhượng quyền đầu tư
Trong trường hợp dự án có quy mô lớn, đòi hỏi vốn đầu tư lớn như các dự án bất động sản, khu công nghiệp, khách sạn, nhà hàng lớn. Các bên nhận quyền đầu tư sẽ tham gia góp vốn và đứng vào đội ngũ quản lý để vận hành công việc kinh doanh và tạo ra lợi tức từ khoản đầu tư ban đầu của mình và thu hồi được vốn sau khi rút khỏi dự án.
Nhượng quyền chuyển đổi
Hình thức này phù hợp với doanh nghiệp đã có một lượng chi nhánh hoạt động hiệu quả (tối thiểu là 6) và có mục tiêu phát triển thương hiệu, tại những địa điểm bên nhượng quyền đã hoạt động ổn định và có doanh thu tốt, có thể chuyển đổi những địa điểm này cho bên nhận quyền, nhượng lại (cửa hàng, cơ sở vật chất, con người…) cho bên nhận quyền. Hiểu đơn giản hơn, hình thức này yêu cầu bên nhận quyền chỉ cần đầu tư hoặc trực tiếp tham gia quản lý địa điểm với doanh thu đã ổn định.
Vai trò của bên nhượng quyền thương hiệu và bên nhận quyền
Vai trò của bên nhượng quyền thương hiệu và bên nhận quyền.
Bên nhượng quyền cung cấp cho bên nhận quyền nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, đồng thời thực hiện quyền kiểm soát đối với một số hoạt động của bên nhận quyền khi cần thiết với mục tiêu bảo vệ tài sản thương hiệu, tài sản trí tuệ của mình, và cũng để đảm bảo bên nhận quyền tuân thủ những thỏa thuận, nguyên tắc đã cam kết.
Để đổi lấy việc sử dụng tài sản thương hiệu và cung cấp hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động kinh doanh, bên nhận quyền sẽ trả cho bên nhượng quyền một khoản tiền, đây được gọi là “phí nhượng quyền” ban đầu, và phí “bản quyền” liên tục cho những hoạt động kinh doanh sinh lời tiếp theo.
Bên nhượng quyền có rất ít hoặc không có vai trò trong việc quản lý hoạt động kinh doanh hàng ngày, vì bên nhận quyền thường sẽ là một nhà điều hành độc lập (doanh nghiệp/ cá nhân), tuy nhiên trong một số trường hợp, với mục tiêu đảm bảo chất lượng và sự đồng bộ, bên nhượng quyền sẽ yêu cầu, tham gia trực tiếp hoặc toàn quyền vận hành.
Trong trường hợp bên nhượng quyền không tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh, sẽ phải cung cấp một loạt các tài liệu hướng dẫn, giải pháp vận hành thương hiệu.
Ưu điểm của hình thức nhượng quyền thương hiệu
5 ưu điểm của nhượng quyền thương hiệu.
Mở rộng nhận diện thương hiệu: ưu điểm quan trọng nhất của chiến lược nhượng quyền thương hiệu là giúp thương hiệu phủ rộng và tăng nhận diện nhanh chóng với việc liên tục xuất hiện các địa điểm có chứa nhận diện thương hiệu.
Tạo được quỹ vốn lớn: nhiều doanh nghiệp có tiềm năng, quy trình, con người và thương hiệu nhưng thiếu nguồn vốn để phát triển các địa điểm mới. Bên nhận quyền sẽ cung cấp một khoản phí nhượng quyền cố định và phí bản quyền liên tục giúp doanh nghiệp nhượng quyền có thể mạnh mẽ trong việc phát triển doanh nghiệp/ thương hiệu.
Phát triển đội ngũ giỏi: Việc mở rộng nhiều địa điểm yêu cầu doanh nghiệp nhượng quyền phải có đội ngũ có kỹ năng được đào tạo và có năng lực xuất sắc để theo kịp tốc độ phát triển, điều này giúp loại bỏ những nhân viên không phù hợp, đồng thời những cá nhân xuất sắc sẽ có nhiều kinh nghiệm khi liên tục phát triển những địa điểm mới với quy mô, văn hoá, lịch sử khác nhau.
Sở hữu hệ thống: Nhượng quyền thương hiệu mở rộng địa điểm và nhân rộng hệ thống kinh doanh, hệ thống phân phối và tính đồng bộ của mọi hoạt động. Nhượng quyền thương hiệu dựa trên hoạt động kinh doanh đã được chứng minh thực tế thông qua các địa điểm, những cá nhân nhận nhượng quyền đang hoạt động hiệu quả.
Tạo ra luồng doanh thu mới: khi bắt đầu thực hiện nhượng quyền thương hiệu, doanh nghiệp nhượng quyền đã tạo ra một luồng doanh thu mới từ phì nhượng quyền và phí bản quyền liên tục.
Các phương pháp nhượng quyền thương hiệu
4 phương pháp nhượng quyền thương hiệu.
- Nhượng quyền toàn diện
Đây là hình thức nhượng quyền “trọn gói”. Theo đó, 4 lĩnh vực cơ bản của thương hiệu bao gồm: Bộ nhận diện thương hiệu, công thức sản phẩm hay công nghệ kinh doanh, sản phẩm/ dịch vụ và hệ thống các phương thức marketing sẽ được cung cấp cho bên nhận nhượng quyền. Hai khoản phí bao gồm phí hoạt động và phí nhượng quyền ban đầu sẽ được bên nhận nhượng quyền chuyển cho bên chủ thương hiệu với một hợp đồng có thời hạn 5 đến 30 năm.
Ngoài ra, các loại chi phí về thiết kế & trang trí, chi phí thiết bị, tiếp thị, quảng cáo… của bên nhận quyền thương hiệu có thể sẽ được bên nhượng quyền hỗ trợ thêm.
- Như
- ợng quyền không toàn diện
Nh
ượng quyền
không toàn diện được thực hiện chỉ trên một hoặc một số mảng nào đó của bên nhượng quyền ví dụ như công thức sản phẩm, hình ảnh thương hiệu…
Theo đó, bên nhượng quyền sẽ không can thiệp quá nhiều vào trong khâu vận hành cũng như sản xuất của bên nhận nhượng quyền.
- Nhượng quyền có tham gia quản lý
Với các hình thức kinh doanh chuỗi F&B lớn hay các chuỗi nhà hàng - khách sạn thì hình thức nhượng quyền có tham gia quản lý thường hay được áp dụng. Với hình thức này, bên nhượng quyền sẽ cung cấp thương hiệu, hình thức kinh doanh, người quản lý và điều hành cho bên nhận nhượng quyền. Hình thức này sẽ giúp việc giám sát cũng như vận hành kinh doanh của bên nhận nhượng quyền sẽ dễ dàng hơn.
- Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn
Ở hình thức nhượng quyền này, bên nhượng quyền sẽ đầu tư một số nhỏ tiền vào công ty nhận nhượng quyền, thông qua đó sẽ có sự can thiệp trong việc kinh doanh của bên nhận nhượng quyền. Hình thức này được thực hiện một phần do thương hiệu đó muốn khai phá thêm các thị trường mới.
Tài liệu cần có của nhượng quyền thương hiệu
Có hai loại tài liệu chính cần có trong hoạt động nhượng quyền thương hiệu bao gồm thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu và tài liệu Hướng dẫn bên nhận quyền thương hiệu.
Tài liệu cần có của nhượng quyền thương hiệu.
Thỏa thuận nhượng quyền
Thỏa thuận nhượng quyền thương mại là hợp đồng pháp lý, ràng buộc giữa bên nhượng và nhận quyền. Hợp đồng này giải thích tất cả các quyền và nghĩa vụ cho cả hai bên, đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống nhượng quyền và thương hiệu. Đây là một trong những tài liệu quan trọng mà bên nhận quyền tiềm năng sẽ yêu cầu xem xét.
Một hợp đồng thỏa thuận nhượng quyền không cần quá dài, hãy cố gắng làm nó ngắn gọn, rõ ràng và công bằng, những vấn đề cần được nêu trong hợp đồng nhượng quyền thương hiệu thường sẽ bao gồm:
- Phí nhượng quyền lần đầu và phí bản quyền liên tục
- Các mốc thời gian mở nhượng quyền
- Các biện pháp bảo vệ thương hiệu
- Thông số kỹ thuật cho thiết bị sử dụng, vật tư và hàng tồn kho
- Thời hạn của thoả thuận và các điều kiện gia hạn
- Các quy tắc liên quan đến việc chuyển nhượng cho bên thứ 3
- Điều kiện chấm dứt hợp đồng
- Các nghĩa vụ sau khi chấm dứt
- Thoả ước không cạnh tranh trong phạm vi quy định
- Yêu cầu bán hàng tối thiểu
- Các tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết như thế nào? hoà giải hay tòa án?
Tài liệu hướng dẫn bên nhận quyền thương hiệu
Hãy đảm bảo mọi chi tiết được thể hiện rõ ràng và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Một bộ tài liệu định hướng và hướng dẫn bên nhận quyền sẽ bao gồm những nội dung:
- Cẩm nang thương hiệu
- Hệ thống nhận diện thương hiệu
- Bộ tiêu chuẩn văn hoá thương hiệu
- Bộ quy tắc ứng xử với nhà cung cấp/ đối tác
- Bộ quy tắc ứng xử với khách hàng
- Quy trình kiểm soát chất lượng
- Tuyển dụng và đào tạo nhân viên
- Quy trình thực hiện cung cấp sản phẩm/ dịch vụ
- Hỗ trợ trang thiết bị, vật dụng
- Thông số trang thiết bị phục vụ
- Chính sách thực hiện
- Xử lý khủng hoảng
Kết
Nhượng quyền thương hiệu là hoạt động hiệu quả giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu lớn về doanh thu và xây dựng tài sản thương hiệu bền vững. Xây dựng chiến lược nhượng quyền thương hiệu không khó, nhưng cũng dễ thất bại nếu doanh nghiệp không am hiểu về quy trình thực hiện, không có đội ngũ nhân sự đủ khả năng thực hiện. Hãy đảm bảo nhãn hiệu đã được bảo hộ, thời gian nhận được văn bằng bảo hộ thương hiệu tối thiểu là 12 tháng, hãy chuẩn bị trước điều này.
Trong tương lai gần, tài sản trí tuệ là tài sản giá trị nhất của mỗi tổ chức kinh doanh, các cuộc chiến sẽ không nhằm tấn công hoặc sở hữu đất đai hoặc tài nguyên, những cuộc chiến sẽ thuộc về sự sáng tạo và trí tuệ của mỗi doanh nghiệp, quốc gia, hình thức nhượng quyền thương hiệu vì thế sẽ rất phát triển.
Nguồn bài viết: https://vudigital.co/nhuong-quyen-thuong-hieu-la-gi-nhung-luu-y-co-ban-khi-nhuong-quyen-thuong-hieu.html