Sau thời hoàng kim 2017-2018, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) không còn thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu này bị bán ròng với tổng khối lượng lên đến hơn 83 triệu đơn vị, giá trị tương ứng gần 5.700 tỷ đồng, lớn thứ 4 toàn sàn chứng khoán.
Áp lực lớn từ khối ngoại kìm chân cổ phiếu VNM. Bất chấp thị trường chung tương đối khởi sắc với VN-Index tăng gần 12%, VNM vẫn mất hơn 2% thị giá từ đầu năm. Vốn hóa thị trường còn gần 136.500 tỷ đồng, tương đương khoảng một nửa thời đỉnh cao. Con số này khiến Vinamilk rớt ra khỏi top 10 công ty giá trị nhất sàn chứng khoán.
Vinamilk là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa, nắm giữ hơn 50% thị phần ngành sữa Việt Nam. “Gã khổng lồ” có quy mô sản xuất lớn nhất cả nước, sở hữu 15 trang trại công nghệ cao với tổng đàn bò hơn 140 nghìn con và 16 nhà máy có công suất 1 tỷ lít sữa mỗi năm.
Bên cạnh đó, Vinamilk có danh mục sản phẩm rất đa dạng và hệ thống phân phối rộng khắp, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Hiện nay, hơn 80% doanh thu của Vinamilk vẫn đang đến từ thị trường nội địa, doanh nghiệp đang nỗ lực để tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới.
Dòng tiền ngoại không "mặn mà" với cổ phiếu VNM những năm gần đây một phần do sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, doanh thu của Vinamilk đã chững lại quanh mức 60.000 tỷ trong vài năm trở lại đây. Lợi nhuận ròng sau thời gian dài duy trì trên 10.000 tỷ giai đoạn 2017-2021 cũng sụt giảm mạnh trong năm 2022 xuống dưới 9.000 tỷ.
Tình hình đã khả quan hơn trong năm 2023 khi lợi nhuận ròng của Vinamilk đã tăng trưởng dương trở lại sau 2 năm liên tiếp đi lùi nhưng mức tăng chỉ hơn 5%. Năm qua ghi dấu một bước ngoặt lớn với Vinamilk khi doanh nghiệp tái cấu trúc với chiến lược thay đổi bộ nhận diện thương hiệu nhằm đáp ứng sự phát triển của thế hệ người tiêu dùng mới, mở rộng đối tượng khách hàng không bị giới hạn độ tuổi và thúc đẩy hình ảnh ra các thị trường thế giới.
Năm 2024, Vinamilk lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 63.163 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.376 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,4% và 4% so với thực hiện năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch, Vinamilk sẽ phá kỷ lục doanh thu lập được vào năm 2021 và có năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận dương. Tuy nhiên, có thể thấy rõ tốc độ tăng trưởng vẫn rất khiêm tốn và khó đáp ứng kỳ vọng của giới đầu tư, đặc biệt là khối ngoại.
Trong quý đầu năm, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.112 tỷ đồng, chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm xuống 8.200 tỷ khiến lợi nhuận gộp được cải thiện, đạt 5.912 tỷ đồng. Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 8%, xuống 387 tỷ, nhưng chi phí tài chính cũng giảm 35,5% xuống còn 102 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý đồng loạt gia tăng, chiếm tổng cộng 3.890 tỷ đồng.
Kết quả, Vinamilk ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.207 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây lại là mức lợi nhuận thấp nhất mà Vinamilk đạt được trong vòng 4 quý. Với kết quả này, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành được 23,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Trong bối cảnh ngành sữa trong nước đang có dấu hiệu bão hoà, Vinamilk đang tìm kiếm những động lực tăng trưởng từ thị trường nước ngoài và lĩnh vực mới với dự án dự án thịt bò Vinabeef. Tuy nhiên, đa phần các dự án đều đang trong giai đoạn đầu tư và chưa mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế. Vì thế, khó kỳ vọng Vinamilk có thể tăng trưởng đột phá về lợi nhuận trong tương lai gần và việc khối ngoại tiếp tục tháo chạy có lẽ là điều khó tránh khỏi.