Đầu tư chứng khoán qua quỹ hoán đổi danh mục đang trỗi dậy
Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF), theo dõi các chỉ số chứng khoán hoặc một nhóm cổ phiếu theo chủ đề ở châu Á, đang trở thành kênh đầu tư yêu thích của nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân trong khu vực.
Tính minh bạch và tính tiện lợi giao dịch giúp các quỹ ETF ở châu Á thu hút nguồn vốn kỷ lục 118 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.
Thu hút nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức
Đầu năm nay, Fredric Luk bắt đầu hành trình đầu tư cổ phiếu với nhiều hy vọng. Anh lựa chọn cẩn thận một số cổ phiếu có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, sau khi thua lỗ vì đặt cược sai ở một số khoản đầu tư, anh nhanh chóng bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ tại các công ty công nghệ Mỹ, rồi chuyển vốn sang một số quỹ ETF.
“Việc mua cổ phiếu riêng lẻ có khá nhiều rủi ro, đặc biệt là khi bạn không thực am hiểu thị trường. Đối với tôi, việc tiếp cận thị trường rộng lớn hơn (thông qua quỹ ETF) sẽ hiệu quả hơn”, Luk, 25 tuổi, một chuyên gia tư vấn ở Hồng Kông nói.
Luk nằm trong nhóm nhà đầu tư ở châu Á đang đổ xô vào các quỹ ETF. Những công cụ đầu tư có chi phí thấp, đa dạng và minh bạch này đang ngày càng trở thành lựa chọn phù hợp cho cả nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn tổ chức.
Theo Công ty nghiên cứu và tư vấn ETFGI, trong 5 tháng đầu năm, tổng tài sản của các quỹ ETF ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, tăng gần 15% (tương đương 118 tỉ đô la), lên mức kỷ lục 890 tỉ đô la. Năm 2023, các quỹ này cũng đã chứng kiến mức tăng trưởng tổng tài sản lên đến 36%,
Lượng vốn hút ròng 118 tỉ đô la trong giai đoạn này là mức cao nhất từ trước đến nay đối với các quỹ ETF ở châu Á. Tính đến tháng 5, các quỹ này trải qua 35 tháng liên tiếp hút vốn ròng, cũng là một kỷ lục.
Theo một báo cáo gần đây của hãng kiểm toán PwC, nếu tính cả Nhật Bản, thị trường ETF châu Á hiện vượt quá 1,3 nghìn tỉ đô la và dự kiến đạt quy mô ít nhất 2,5 nghìn tỉ đô la vào năm 2028.
Với quy mô như vậy, châu Á có thể trở thành thị trường ETF lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Nhu cầu mạnh nhất đối với các quỹ ETF trong khu vực dự kiến sẽ đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, báo cáo của PwC cho biết thêm.
“Trong một thị trường mà các nhà đầu tư trẻ tuổi, tự nghiên cứu kỹ hơn về những gì họ mua, quỹ ETF ngày càng được ưa chuộng”, Eugenie Shen, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản tại Hiệp hội Thị trường tài chính và công nghiệp chứng khoán châu Á (ASIFMA) bình luận.
Cạnh tranh giành thị phần
Ra mắt đầu tiên tại Mỹ vào năm 1993, các quỹ ETF theo dõi các rổ chứng khoán khác nhau, thường bám theo các chỉ số chuẩn, với mục tiêu tạo ra lợi nhuận tương ứng với thị trường tổng thể. Tương tự như các chứng khoán khác, nhà đầu tư có thể mua bán chứng chỉ quỹ ETF thông qua nhà môi giới trong giờ giao dịch của thị trường.
Các sản phẩm này mang lại cho nhà đầu tư một số thuận lợi.
So với các cổ phiếu hoặc trái phiếu riêng lẻ, ETF giúp nhà đầu tư tiếp cận thị trường rộng hơn thông qua một phương tiện duy nhất. Không giống như các quỹ tương hỗ, thường cần các bên trung gian như ngân hàng để tiếp cận, các quỹ ETF không sử dụng các bên trung gian nên giảm chi phí cho nhà đầu tư.
Theo Antoine de Saint Vaulry, người đứng đầu bộ phận bán hàng và phát triển kinh doanh ETF phụ trách khu vực châu Á của ngân hàng Citi ở Hồng Kông, nhà đầu tư tổ chức từ lâu xem các quỹ ETF như là phần trọng tâm trong danh mục đầu tư.
Ông lưu ý thêm, các thị trường ETF ở của châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc chứng kiến làn sóng gia nhập của nhà đầu tư nhỏ lẻ trong những năm gần đây.
Khi các quỹ ETF trỗi dậy, trở thành sản phẩm đầu tư hấp dẫn nhất châu Á, các tổ chức phát hành quỹ ETF trên toàn cầu lẫn khu vực đang cạnh tranh giành thị phần.
Sản phẩm của họ rất đa dạng, từ các quỹ ETF theo dõi thụ động chỉ số chứng khoán cho đến các quỹ đầu tư vào một nhóm cổ phiếu theo chủ đề và được quản lý chủ động.
Shen của ASIFMA cho biết, nhà đầu tư tổ chức mua chứng chỉ quỹ ETF vì chi phí giao dịch rẻ hơn. Trong khi đó, sau khi tự nghiên cứu, nhà đầu tư cá nhân, có thể dễ dàng tìm ra quỹ ETF phù hợp với khẩu vị của họ.
BlackRock, Vanguard và State Street, ba nhà cung cấp cấp quỹ ETF theo dõi chỉ số hàng đầu thế giới cùng nhau kiểm soát 66% tổng giá tài sản ETF trị giá 12 nghìn tỉ đô la trên toàn cầu. Các quỹ ETF của ba công ty này cũng thu hút một số dòng vốn lớn nhất trong khu vực châu Á.
Andy Ng, người đứng đầu giải pháp chiến lược sản phẩm vốn cổ phần iShares của BlackRock cho biết, công ty cung cấp các sản phẩm ETF đa dạng, từ theo dõi chỉ số chứng khoán cho đến các chiến lược đầu tư chủ động đối với các loại tài sản khác nhau như vốn chủ sở hữu, thu nhập cố định, hàng hóa và thậm chí cả tiền điện tử. Hiện BlackRock đang quản lý 1.400 quỹ ETF trên toàn cầu.
Đầu tư theo chủ đề
Andy Ng lưu ý, nhà đầu tư châu Á không chỉ đầu tư vào các sản phẩm ETF tập trung vào chứng khoán địa phương mà còn muốn tiếp cận chứng khoán trên toàn cầu.
Tháng 11 năm ngoái, CSOP Asset Management, công ty quản lý tài sản ở Hồng Kông, ra mắt quỹ ETF CSOP Saudi Arabia. Đây là quỹ ETF đầu tiên ở châu Á theo dõi cổ phiếu của các công ty lớn nhất ở quốc gia vùng Vịnh này.
Ding Chen, CEO của CSOP nhấn mạnh, sự cạnh tranh rất gay gắt nhưng điều quan trọng là cần tập trung vào các cơ hội mang tính chủ đề ở địa phương và khu vực.
Chẳng hạn, đà tăng giá thần tốc của cổ phiếu Nvidia (Mỹ), nhà cung cấp chip AI hàng đầu, đã thúc đẩy cổ phiếu của các hãng chip châu Á như TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc. Một số sản phẩm ETF của CSOP, đang theo dõi các cổ phiếu này, chứng kiến dòng vốn chảy vào mạnh mẽ.
Mirae Asset Global Investments (Hàn Quốc), đang quản lý 250 tỉ đô la Mỹ, cho biết nhóm nghiên cứu quỹ ETF của công ty xem xét nền kinh tế và thị trường ở phạm vi rộng hơn để xác định các chủ đề tăng trưởng trong dài hạn.
Theo Youngrae Cho, CEO của Mirae Asset Global Investment tại Hồng Kông, một sản phẩm ETF theo chủ đề lý tưởng sẽ không mang tính chu kỳ, có tiềm năng tăng trưởng mang tính cấu trúc, lâu dài và có thể trở thành một xu hướng lớn.
Các công ty K-pop, nhà sản xuất pin lithium-ion, các tín quỹ đầu tư vào khách sạn và bất động sản thương mại ở Nhật Bản nằm trong số các chủ đề ETF của Mirae.
Các quỹ ETF đang nhanh chóng lấn át loại quỹ tương hỗ. Năm ngoái, gần 800 tỉ đô la chảy ra khỏi các quỹ tương hỗ trên toàn cầu, trong khi các quỹ ETF hút ròng 800 tỉ đô la.
Philippe El-Asmar, người đứng đầu bộ phận ETF của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại JPMorgan Asset Management nhận xét, quỹ ETF minh bạch hơn, thanh khoản hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với quỹ tương hỗ.
Theo Morningstar, tỷ lệ chi phí trung bình (tỷ lệ phần trăm tài sản mà nhà đầu tư phải trả cho phí phí điều hành), là 0,48% đối với các quỹ ETF thụ động và 1,02% đối với các quỹ tương hỗ được quản chủ động vào năm 2023.
Chánh Tài (Theo SCMP)
TBKTSG