Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ngày càng phức tạp, việc hiểu rõ các chỉ số đo lường sức mạnh tiền tệ trở nên vô cùng quan trọng đối với các nhà đầu tư. Một trong những chỉ số tài chính quan trọng nhất là chỉ số DXY (US Dollar Index). Chính vì vậy, việc nắm bắt bản chất và sự biến động của chỉ số đô la mỹ (DXY), cùng với những ảnh hưởng của nó đến thị trường chứng khoán, là yếu tố then chốt giúp các nhà đầu tư xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả và bền vững.
Chỉ số DXY là gì?
Định nghĩa chỉ số US Dollar Index (DXY)
Chỉ số DXY, còn được gọi là Chỉ số Đô la Mỹ (U.S. Dollar Index), kí hiệu DX, DXY, USDX là một chỉ số đo lường giá trị của đồng đô la Mỹ (USD) so với một rổ các loại tiền tệ chính của thế giới. Chỉ số này được thiết kế để cung cấp một thước đo tương đối về sức mạnh của đồng USD trong thị trường ngoại hối.
DXY không chỉ phản ánh sức mạnh của USD mà còn là chỉ báo quan trọng về xu hướng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Những biến động của DXY có thể tạo ra làn sóng tác động đến giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu và xuất khẩu, cũng như tác động đến chính sách tiền tệ của các quốc gia.
Lịch sử và nguồn gốc của chỉ số DXY
Chỉ số DXY ra đời vào tháng 3 năm 1973 khi các cường quốc kinh tế thời kỳ đó đồng ý thả nổi đồng tiền của mình sau sự sụp đổ của hệ thống Bretton-Woods (1945-1973) và từ bỏ bản vị vàng.
Để kiềm chế lạm phát tăng mạnh sau thời kì nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá để phục hồi nền kinh tế bị tổn thương hậu đại dịch Covid19, giai đoạn 2022-2023 Cục dự trữ liên bang FED đã tăng lãi suất lên 11 lần (tăng dốc nhất lịch sử), khiến giới đầu tư chuyển qua các khoản đầu tư bằng USD để hưởng lợi nhiều hơn, giá trị của đồng USD theo đó tăng cao, chỉ số đô la mỹ (DXY) lúc bấy giờ tăng vọt lên sát mốc 115 điểm, tác động mạnh đến thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu.
Kể từ đó đến nay (2024) những câu chuyện liên quan đến chỉ số US Dollar Index (DXY), tỷ giá và TTCK luôn được nhà đầu tư theo sát, vậy bản chất chỉ số DXY là gì và tác động ra sao đến TTCK, bài viết này sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về chỉ số này.
Bản chất của chỉ số DXY là gì?
Chỉ số đô la mỹ (DXY) được tính toán dựa trên tỷ giá hối đoái giữa USD và sáu loại tiền tệ của những quốc gia đang là đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ, bao gồm: EURO (EUR); Yên Nhật (JPY); Bảng Anh (GBP); Đô la Canada (CAD); Kronor Thuỵ Điển (SEK) và Franc Thuỵ Sĩ (CHF).
Tỷ trọng các ngoại tệ trong rổ tiền tệ để tính chỉ số DXY như sau:
- Euro (EUR): Chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 57.6%.
- Yên Nhật (JPY): Khoảng 13.6%.
- Bảng Anh (GBP): Khoảng 11.9%.
- Đô la Canada (CAD): Khoảng 9.1%.
- Krona Thụy Điển (SEK): Khoảng 4.2%.
- Franc Thụy Sĩ (CHF): Khoảng 3.6%.
Hình Tỷ trọng các ngoại tệ cấu thành chỉ số DXY
Bên cạnh đó, dù nhiều đồng tiền khác không phải thành viên của USD Index nhưng việc nó chuyển động theo các đồng tiền thành viên của chỉ số này cũng sẽ phản ánh vào mức độ cung cầu của đồng USD trên thị trường thế giới.
Giá trị ban đầu của DXY là 100, cho đến nay DXY đạt đỉnh cao nhất là 165 điểm (1985) và đáy thấp nhất là 70 điểm (2008). Chỉ số này thay đổi liên tục 24h trong ngày và 5 ngày trong tuần và chỉ ngừng biến động khi thị trường tiền tệ đóng cửa
Ví dụ chỉ số US Dollar Index (DXY) hiện tại đang là 105.55 tức là giá trị đồng đô la Mỹ hôm nay tăng 5.55% so với giá trị đồng USD năm 1973
Như vậy, chỉ số DXY càng cao tức đồng USD càng mạnh lên và ngược lại, chỉ số DXY suy giảm tức giá trị của đồng USD cũng suy giảm
Với bản chất của mình, DXY được coi là một chỉ báo quan trọng cho sức khỏe của nền kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. Sự thay đổi của DXY không chỉ phản ánh một cách tương đối sức mạnh đồng đô la Mỹ so với các đồng ngoại tệ mạnh khác mà nó còn kéo theo sự ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường hàng hoá, thậm chí cả thị trường vàng và dầu thô
Tác động của chỉ số DXY đến thị trường chứng khoán Việt Nam
Gần 40 năm kể từ năm 1987, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, đến nay (2024), độ mở của nền kinh tế thông qua chỉ số giá kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đã đạt 190%, hội nhập sâu rộng với chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó sự biến động của đồng chỉ số US Dollar Index (DXY) có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ của Việt Nam nói chung, từ đó tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán (TTCK) - vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế.
Thứ nhất, khi chỉ số DXY tăng, đồng USD mạnh lên thì VNĐ sẽ bị giảm giá trị so với USD, dòng vốn nước ngoài sẽ có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư hoặc tài sản khác bằng USD để thu lợi nhuận cao hơn, TTCK mới nổi hay cận biên như TTCK Việt Nam sẽ bị rút vốn
Thứ hai, khi DXY tăng quá dốc và khiến VNĐ mất giá tương đối so với USD, gây áp lực không nhỏ lên tỷ giá thì Ngân hàng nhà nước (SBV) sẽ cần can thiệp vào chính sách tiền tệ để điều hướng tỷ giá có lợi cho nền kinh tế.
Do đó, nếu chỉ xét đến ảnh hưởng của chỉ số đô la mỹ (DXY) lên TTCK (tức bối cảnh tỷ giá biến động trong tầm kiểm soát của SBV) thì việc chỉ số DXY tăng cao có xu hướng tác động tiêu cực đến chỉ số VNINDEX, và khi chỉ số này hạ nhiệt TTCK cũng có những động thái hồi phục đáng kể. Tác động của chỉ số đô la mỹ (DXY) cũng trái chiều lên từng ngành có liên quan trực tiếp.
Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu thu về bằng đồng USD như thuỷ sản, dệt may,… hoặc các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ khác USD trong rổ DXY sẽ được hưởng lợi. Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu (hóa chất, dược phẩm, nhựa,…) hoặc những doanh nghiệp có nợ vay bằng USD sẽ gặp bất lợi.
Kết luận
Trên đây là những phân tích cơ bản về chỉ số DXY là gì và tác động của chỉ số này lên TTCK Việt Nam, cung cấp thêm một góc nhìn vĩ mô cho nhà đầu tư trong quá trình phân tích và ra quyết định, bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần thêm những góc nhìn vi mô khác từ doanh nghiệp để có được góc nhìn toàn diện. Chúc quý nhà đầu tư thành công!